+Aa-
    Zalo

    Ai đã bị Huyền Như lừa đảo lấy tiền?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Gần 4.000 tỷ đã bốc hơi bởi Huyền Như, hay nói đúng hơn là bởi “lòng tham” và bất chấp rủi ro, bất tuân luật pháp của chính người mất tiền.

    (ĐSPL) - Gần 4.000 tỷ đã bốc hơi bởi Huyền Như, hay nói đúng hơn là bởi “lòng tham” và bất chấp rủi ro, bất tuân luật pháp của chính người mất tiền.

    Phiên tòa sơ thẩm vụ Huyền Như đã khép lại với quy kết trong bản án: “Xuất phát từ lỗi, từ lòng tham lãi suất, hoa hồng chi ngoài của các nguyên đơn dân sự, các bị hại và người môi giới mà Huyền Như đã dẫn dụ để mạo danh ngân hàng huy động vốn cho cá nhân Như”, nhưng dường như phải mở lại trong phần kết thúc tranh luận của Luật sư Nguyễn Văn Trung khi “kết”: “Chỉ những ai vì vụ lợi đã trực tiếp giao dịch, thỏa thuận bất hợp pháp với Huyền Như, bất chấp quy định pháp luật mới bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

    Trong vụ án này, với mục đích “gửi tiền” vào ngân hàng Công thương lấy lãi cao vượt trần, 4 ngân hàng đã tìm đường đi khác nhau: nếu như ACB và MSB đã chọn chiêu “ủy thác” cho nhân viên của mình hoặc các công ty sân sau “đưa tiền đi gửi”, Navibank thì chọn cách sử dụng nhân viên đế cho vay tiêu dùng, rồi đẩy tiền đi gửi, còn Tienphongbank lại thông qua hình thức môi giới đầu tư mua bán chứng khoán, trái phiếu với các công ty và chuyển tiền đặt cọc để đi gửi lấy lãi.

    Đã có hàng ngàn tỷ đã được các ngân hàng này “bơm ra” để tìm kiếm lợi nhuận, điểm chung là cùng muốn né con đường chính thống (thị trường liên ngân hàng), tất cả đều đi qua giao dịch ngầm “ngoài luồng” của người môi giới, của nhân viên làm đại diện để … kết nối với Huyền Như.

    Phương án thỏa thuận đạt được với Như trước hết là kết quả của sự “gian dối”, dẫn dụ, câu nhử mà Như đã giăng, còn các bị hại có tiền muốn gửi vì lòng tham mà sập bẫy “tin vào Huyền Như” đã tự tử bỏ quyền định đoạt, kiểm soát mà mình hoàn toàn có trách nhiệm và khả năng thực hiện. Mẫu số chung là tiền đi đã bị Huyền Như chiếm đoạt.

    Sai sót, khuất tất của phía “gửi tiền”. Một loạt sai sót, từ chủ trương gửi tiền hưởng lãi trái pháp luật, đến không kiểm soát hành vi “tranh thủ lợi ích riêng” người đại diện giao dịch mà dễ dàng chấp thuận “đi tiếp” cái sai của người giao dịch, có những quyết định không được thẩm định rủi ro, thủ tục tiến hành bỏ qua các nguyên tắc cơ bản về bảo đảm an toàn, không kiểm soát được nguồn tiền đi và về, phó mặc khả năng thu hồi từ “ngân hàng nhận” - mà thực tế là Huyền Như.

    Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như.

    Nếu như Công ty Hưng Yên chẳng cần biết mình gửi tiền cho ai bởi “mọi giao dịch, quan hệ thương thảo về các điều khoản của hợp đồng tiền gửi Hùng giao cho các cộng tác viên trực tiếp làm thông qua điện thoại và fax …” (lời khai Tạ Duy Hùng, giám đốc Công ty Hưng Yên) và vì cô “Quyên công tác ở chi nhánh Nhà Bè” đã làm tất mọi thứ với cộng tác viên là nhân viên MSB.

    Không chỉ thế, tại phiên xử sáng ngày 17/12, khi nói đến số tài khoản của Công ty An Lộc, đại diện của công ty này liên tiếp nói sai cả số tài khoản, khoản tiền gửi… khiến chủ tọa phải phát cáu: “HĐXX chứ anh xem như trò đùa”. Phải chăng, khi mà người ta chỉ biết cho thuê, cho mượn tài khoản, thì việc không nhớ các thông tin cơ bản về tài khoản của mình, cũng là điều dễ hiểu.

    Cạnh tranh không kém tiền “lại quả” với nhân vật “Bảo Ngọc” từng được đề cập nhiều trong vụ bầu Kiên, Đoàn Đăng Luật (Trưởng phòng Nguốn vốn NVB), Vũ Hồng Hạnh (TGĐ ORS), Nguyễn Thị Quy (Kế toán trưởng ORS), Vũ Minh Hải và Vũ Thị Mỹ Linh (người môi giới và Kế toán trưởng SBBS), Lê Huyền Trân (Công ty BHTC), Phạm Anh Tuấn (Công ty Thái Bình Dương),… đều là những gương mặt, cái tên được Huyền Như khai ra và nhắc đến trong danh sách “dắt lối” cho Huyền Như lấy được tiền của các đơn vị này với số tiền “khủng”.

    Có hay không việc “bán” công ty, ngân hàng “của mình” cho Như? Có lẽ, cần chờ thêm kết quả một cuộc điều tra mới.

    Sai phạm của các ngân hàng, công ty là không thể chối cãi. Nếu không sai, NVB đã không sợ để nhờ người anh em “Bắc Việt” làm sạch bằng hợp đồng giả cách mua bán ngoại tệ kỳ hạn, hợp đồng mua lại các HĐTG “xoá nợ” cho 4 “người vay”; MSB đã không phải “mượn tiền” của để “thu nợ” cho cả 3 “ông con”, dù đã biết phận “lui binh” nhưng vẫn để lại Công ty Hưng Yên “cố đấm ăn xôi” tại phiên tòa này;…

    Gần 4.000 tỷ đã bốc hơi bởi Huyền Như, hay nói đúng hơn là bởi “lòng tham” và bất chấp rủi ro, bất tuân luật pháp của chính người mất tiền. “Việc các Ngân hàng, Doanh nghiệp được thành lập nếu chỉ để lấy tiền huy động của dân từ ngân hàng này đem gửi ngân hàng khác trái pháp luật nhắm lấy lãi chênh lệch, tất yếu sẽ gây lũng đoạn nền tài chính, tiền tệ quốc gia, đẩy lãi suất lên cao giả tạo, làm mất lòng tin của khách hàng”.

    Tại sao cứ “bắt” Vietinbank phải chịu khi mà: “Thực tế cho thấy tất cả hàng triệu khách hàng giao dịch hợp pháp với Vietinbank, tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước và ngành ngân hàng đều được bảo vệ quyền lợi và yên tâm giao dịch” – vẫn là những lời của Luật sư Nguyễn Văn Trung đã phát lên tại phiên tòa và xin nhường lời để người đọc cùng suy ngẫm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-da-bi-huyen-nhu-lua-dao-lay-tien-a76756.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan