+Aa-
    Zalo

    Ai có quyền khám xét người chuyển giới?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đó là một trong những vấn đề được đặt ra tại hội thảo quốc tế “Một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật tạm giữ, tạm giam sáng ngày 17/7.

    Đó là một trong những vấn đề được PGS.TS Vũ Công Giao (Khoa Luật, ĐHQG HN) đặt ra tại hội thảo quốc tế “Một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật tạm giữ, tạm giam".

    Hội thảo được tổ chức sáng 17/7 tại Hà Nội.

    Giới thiệu một số quy định quan trọng của luật pháp và công ước quốc tế, ông Giao cho biết, để phòng ngừa sự ngược đãi, phiên xử đầu tiên của một người bị bắt đồng thời cũng là điểm kết thúc việc giam giữ bị cáo trong trại tạm giam của cơ quan điều tra.

    Nếu không được trả tự do, họ cần được chuyển đến nơi giam giữ mới mà không thuộc sự kiểm soát của cơ quan điều tra. Nơi giam giữ nên gần nhà của người bị giam giữ để tạo điều kiện cho luật sư, người thân đến thăm.

    Cán bộ nam không được khám xét nghi can nữ

    Các quy định được quốc tế thừa nhận rộng rãi cũng hướng đến việc bảo vệ những người bị giam giữ là phụ nữ.

    “Phụ nữ bị giam giữ phải được giam giữ ở nơi riêng biệt với đàn ông hoặc cơ sở giam giữ riêng dưới sự quản lý của nhân viên nữ. Nam nhân viên không được giữ các vị trí tiếp xúc trực tiếp với người bị giam giữ trong những nơi giam giữ dành riêng cho phụ nữ. Việc khám xét phụ nữ cần được thực hiện bởi nhân viên nữ” - ông nói.

    Vẫn theo TS Giao, luật nhân quyền quốc tế nhấn mạnh nghĩa vụ quốc gia trong việc giải quyết các nhu cầu cụ thể của nữ giới khi họ bị tước tự do.

    Cụ thể là yêu cầu các quốc gia đáp ứng nhu cầu vệ sinh và chăm sóc sức khỏe đặc biệt của phụ nữ, bao gồm cả trước khi sinh và chăm sóc sau sinh. Bất cứ khi nào có thể, việc sinh nở phải được sắp xếp trong một bệnh viện dân sự.

    PGS.TS Vũ Công Giao.

    Vị chuyên gia này khuyến cáo cần đưa các quy định cụ thể trên đây vào dự Luật tạm giữ, tạm giam.

    Ông cho rằng một trong những thực trạng được quan tâm ở xã hội Việt Nam hiện nay là số lượng người đồng tính, người chuyển giới có xu hướng tăng. Chính vì vậy dự luật cần bổ sung quy định cho những người này, trong trường hợp họ bị bắt giữ.

    “Ví dụ, người chuyển giới ở cùng phòng với ai? Người khám xét họ là nam hay nữ? Ngay cả khi dự luật quy định những người chuyển đối giới tính có thể được giam riêng, thì đó là trong trường hợp đã được phẫu thuật giới tính.

    Nhưng đối với những người chưa phẫu thuật như báo chí đã đề cập có trường hợp là nam nhưng cơ thể phát triển bất thường (ngực to, tính cách như nữ) và người này đã bị lạm dụng tình dục, thì cần có quy định như thế nào?” - ông Giao đặt vấn đề.

    Từ thực tiễn quản lý, thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết: Mỗi năm, tại địa bàn Hà Nội, có hàng trăm lượt người là nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ bị tạm giam, tạm giữ.

    “Đây là công việc rất khó khăn, vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Việc nuôi dạy các cháu nhỏ dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại tạm giam gặp rất nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các cháu” - ông Toản nói.

    Thiếu tướng Toản mong muốn được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho trại tạm giam, nhà tạm giữ để có khu riêng giam giữ phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con trẻ, không nên duy trì phải tạm giam, tạm giữ họ tại các khu vực bệnh xá của cơ sở giam giữ như đang phải thực hiện.

    Người bị kết án tử hình giam giữ riêng: Quá tốn kém

    Đề cập đến hiện trạng tạm giam người bị kết án tử hình, trung tướng Nguyễn Hoàng Hà, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII Bộ Công an cho biết hiện người bị kết án tử hình đang được giam giữ tại các trại tạm giam của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và công an các địa phương.

    “Chế độ chính sách đối với những người này luôn được quan tâm thực hiện đầy đủ. Người ta bị kết án tử hình nhưng khi còn sống thì người ta vẫn là con người, cần được đối xử tử tế” - tướng Hà nói.

    Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất các trại tạm giam khó khăn, đặc biệt là tình trạng quá tải ở một số cơ sở giam giữ thuộc các địa bàn trọng điểm, nên cũng đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu.

    Trung tướng Nguyễn Hoàng Hà, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VIII Bộ Công an.

    Trước đây, Bộ Công an có ý tưởng là xây dựng cơ sở giam giữ tập trung đối với người chờ thi hành án tử hình.

    “Qua kinh nghiệm các nước, thì nếu tập trung họ về một địa điểm thì áp lực đặt ra rất lớn, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ quản lý giam giữ và thi hành án.

    Việc gom lại một chỗ như vậy thì nguy cơ cũng rất cao, bởi họ đều là những phạm nhân đặc biệt nguy hiểm” - ông Hà nói.

    Ông Hà cũng cho biết nếu thực hiện giam giữ tập trung thì Việt Nam cần 450 tỷ đồng để đầu tư cơ sở giam giữ quy mô 500 người, trong khi đầu tư nâng cấp phòng giam người bị kết án tử hình tại các trại tạm giam thì chỉ cần 50 tỷ đồng.

    Cùng chia sẻ những bức xúc trong công tác giam giữ người bị kết án tử hình, thiếu tướng Đinh Văn Toản nói: số lượng người chờ thi hành án tử hình tại các cơ sở giam giữ do Công an Hà Nội quản lý đang tồn đọng rất nhiều.

    Có trường hợp bị tuyên án tử hình 15 năm rồi mà vẫn chưa thi hành án được. Nhiều người chờ thi hành án đề nghị được thi hành án sớm. Đây là vấn đề rất bức xúc cần sớm được nghiên cứu, điều chỉnh các quy định của pháp luật, chẳng hạn như thủ tục Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá.

    Từ những thực tế nêu trên, người chủ trì hội thảo - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng việc đưa các quy định mới, tiêu chuẩn mới vào dự thảo luật là cần thiết, nhưng đồng thời cũng phải rất cân nhắc với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam thì những quy định  mới, các tiêu chuẩn cao đó có mang tính khả thi hay không.

    Theo Tuổi trẻ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-co-quyen-kham-xet-nguoi-chuyen-gioi-a102804.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.