Đảng bộ Agribank chi nhánh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện kết luận số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum và quán triệt nội dung này tới toàn thể cán bộ, nhân viên người lao động trong đơn vị. Trên cơ sở đó, nhiều giải pháp thiết thực được triển khai như: đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương đồng hành cùng tam nông của Agribank; tiếp sức giúp bà con dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, sử dụng vốn đúng mục đích, hợp lý để nâng cao thu nhập, thoát nghèo.
Những giải pháp mà Agribank CN tỉnh Kon Tum đã và đang triển khai trong vay vốn nông nghiệp nông thôn đã mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao đời sống của bà con nghèo vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh Kon Tum có gần 3.600 khách hàng dân tộc thiểu số vay vốn tại Agribank CN tỉnh Kon Tum với dư nợ gần 396 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn Agribank Kon Tum, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất của bà con được hình thành và phát triển. Ta có thể thấy, mô hình sản xuất của ông A Vả (Đăk Kroong - Đăk Glei - Kon Tum) mạnh dạn vay vốn ngân hàng kết hợp với nội lực của gia đình để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là một trong những mô hình tiêu biểu. Từ hướng dẫn của cán bộ tín dụng Agribank Đăk Glei, ông A Vả tự tin lập dự án vay 50 triệu đồng để chuyển đổi từ cây mì sang trồng cây cà phê và phát triển chăn nuôi. Có thu nhập ổn định, năm 2021 ông vay thêm 200 triệu đồng để mua máy cày, máy bơm nước phục vụ cho việc mở rộng vườn cà phê và trồng mới cây cao su. Từ nguồn vốn Agribank, đời sống gia đình ông A Vả đã tốt hơn trước, niềm vui đã hiện rõ trên gương mặt của người đàn ông chất phác và say mê lao động ấy.
Không chỉ tiếp sức giúp các hộ dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, các chi nhánh thuộc Agribank Kon Tum còn giúp bà con chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thành hộ tiểu thương có thu nhập cao. Cách đây 7 năm, anh A Dun ở làng Đăk Gô, xã Đăk Kroong là nông dân thuần túy quanh năm với cây mì, cây lúa. Với sự động viên của cán bộ tín dụng Agribank, anh A Dun vay vốn để mở tiệm tạp hóa kết hợp với thu mua nông sản của bà con. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình anh đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2021 anh tiếp tục vay vốn Agribank để mở rộng cơ sở.
Thấu hiểu tâm lý e ngại khi làm dự án, hồ sơ, thủ tục vay vốn của bà con; đội ngũ cán bộ tín dụng Chi nhánh Agribank Đăk Glei – Kon Tum thường xuyên bám cơ sở, tận tình giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp bà con tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo. Có những xã cách trung tâm huyện tới 50-60 cây số, với những cung đường đồi núi đi lại gian nan vất vả, các cán bộ tín dụng vẫn không quản ngại khó khăn hàng tuần sắp xếp thời gian đến gặp gỡ và tư vấn cho các khách hàng - đặc biệt là khách hàng người đồng bào dân tộc - cách sử dụng vốn vay, đổi mới cách làm ăn để sản xuất, kinh doanh, làm giầu cho bản thân, gia đình và quê hương. Những bước tiến trong quá trình sản xuất của các khách hàng chính là nguồn khích lệ lớn đối với cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Kon Tum.
Agribank Kon Tum luôn quan tâm đến việc phát triển đời sống của người dân đặc biệt là những đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân địa phương lâu nay thường chỉ sử dụng vốn tự có của gia đình, do tích lũy và khi đầu tư thì thường không đảm bảo nhu cầu về vốn. Khi đồng bào đến ngân hàng vay vốn, được cán bộ tư vấn kỹ hơn về cách thức vay và trả lãi, về điều kiện lãi suất trả nợ để họ hiểu sâu hơn về vay vốn, từ đó làm ăn hiệu quả hơn.
Trong quá trình triển khai Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiếu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, Agribank Kon Tum nói chung và Agribank chi nhánh Đăk Glei nói riêng đã chú trọng phối hợp cùng các đoàn thể chính trị xã hội để đưa nguồn vốn đến với bà con nông dân thông qua kênh ủy thác như: Hội Nông dân và hội Liên hiệp Phụ nữ. Việc cho vay qua tổ, nhóm đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt những khách hàng vùng sâu vùng xa, vừa phát triển kinh tế địa phương vừa góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen. Nguồn vốn Agribank đã góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo của nhiều xã vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh. Có những xã được chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới bởi kết quả giảm nghèo bền vững, như xã Đăk Kroong- Đăk Glei - Kon Tum.
Ông A Thông, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Hiện nay từ nguồn vốn ngân hàng nông nghiệp bà con chuyển đổi trồng cây cà phê, cao su, cây ăn trái. Cán bộ tín dụng ngân hàng nông nghiệp huyện thường xuyên, hướng dẫn tư vấn cho các hộ dân về mục đích sử dụng vốn vay rồi hướng dẫn các thủ tục, tạo điều kiện cho người dân, giảm bớt việc đi lại của người dân, đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị thuộc Agribank chi nhánh Kon Tum đã chú trọng giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, tăng thu nhập. Chị Y Lý Huyền, thành viên Tổ hợp tác Chế biến Sản phẩm Nông nghiệp - Dược liệu xã Đăk Pét chia sẻ, việc hình thành và phát triển của tổ hợp luôn có sự đồng hành của chi nhánh Agribank Đăk Glei – Kon Tum: "Tôi được cán bộ ngân hàng Agribank hướng dẫn hoàn thành các thủ tục vay vốn thuận lợi. Sau khi vay vốn tôi đã đầu tư phát triển sản phẩm, phát triển thương hiệu, sau đó sản phẩm của tôi được đánh giá tốt. Sau khi sản phẩm của tôi được công nhận tôi đã có thu nhập, tạo công ăn việc làm cho bà con hàng xóm".
Thực hiện tốt vai trò là cầu nối, đưa chính sách phát triển kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng vào cuộc sống, Agribank Kon Tum đã và đang thực hiện có hiệu quả việc giúp bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, qua đó, góp phần xây dựng nhiều mô hình lao động, sản xuất giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Hồng Hạnh