Theo số liệu báo cáo từ Chi nhánh Agribank Bình Định, dư nợ xấu từ các năm trở lại đây luôn được kiểm soát tốt và nằm ở mức thấp.
Tính đến thời điểm cuối tháng 7/2015, tỷ lệ nợ xấu đã giảm tuyệt đối 0,84\% so với cuối năm 2014. Bên cạnh đó, chi nhánh còn triển khai thực hiện tốt các chương trình cho vay của Chính phủ.
Trao đổi với PV, đại diện Chi nhánh Agribank Bình Định cho biết, tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đến 30/6/2015, tổng nguồn vốn huy động đạt 7.409.620 triệu đồng, tăng 1.326.548 triệu đồng (tăng 21,81\%) so với cùng kỳ năm 2014. Về công tác tín dụng, đến ngày 30/6/2015, tổng dư nợ là 5.143.794 triệu đồng, tăng 7,54\% so cùng kỳ năm 2014. Nếu tính phần dư nợ đã bán nợ cho VAMC trong tháng 6/2015 là 81.207 triệu đồng thì tổng dư nợ đạt 5.225.001 triệu đồng, tăng 9,24\% so với cùng kỳ năm 2014, tăng 2,99\% so với cuối năm 2014.
|
Trong tình hình kinh tế khó khăn, đối với các ngân hàng, việc quản lý nợ xấu đang là một bài toán tương đối phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự nhanh nhạy trong điều hành hoạt động kinh doanh, tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh Agribank Bình Định luôn thấp hơn kế hoạch được giao. Được biết, tính đến 31/12/2014, tỷ lệ nợ xấu của Chi nhánh ở mức 2,1\% (kế hoạch năm 2014 Trụ sở chính giao tỷ lệ nợ xấu 2,5\%). Đến cuối tháng 7/2015, tỷ lệ nợ xấu đã xuống ngưỡng 1,26\%, giảm 0,84\% so với cuối năm 2014.
Đối với việc xây dựng nông thôn mới, hiện toàn tỉnh Bình Định đang thực hiện thí điểm tại 4 xã thuộc 4 huyện. Trong năm 2014, Chi nhánh đã giải ngân cho vay 133.921 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, giải ngân hơn 119.674 triệu đồng. Đây được xem là nguồn vốn quan trọng để các xã hoàn thành tốt chương trình xây dựng nông thôn mới trong tương lai.Không chỉ thực hiện thành công công tác tín dụng, quản lý nợ xấu, chi nhánh Bình Định còn thực hiện tốt những chương trình cho vay của Chính phủ về nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2014 chi nhánh thực hiện cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn với doanh số 6.674.277 triệu đồng, dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn là 4.667.358 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 92\% tổng dư nợ, trong đó dư nợ trung dài hạn chiếm 39\%. 6 tháng đầu năm 2015, doanh số cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn là 3.508.537 triệu đồng, dư nợ đến 30/6/2015 là 4.679.934 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 91\% tổng dư nợ, trong đó dư nợ trung dài hạn chiếm 41,36\%.
Ngoài ra, vấn đề triển khai cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; cho vay thông qua tổ vay vốn; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay nâng cấp tàu cá theo Nghị định của Chính phủ cũng được Chi nhánh thực hiện khá thành công. Đến cuối tháng 6, số lượng tàu cá được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt và giao cho Chi nhánh thẩm định và cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 13 tàu cá. Hiện các chi nhánh trực thuộc đang tích cực làm việc với các chủ tàu để thẩm định cho vay.
Được biết mới đây, Agribank Bình Định đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả bước đầu và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 trong công tác cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Agribank Bình Định đã đánh giá kết quả bước đầu triển khai và đề ra nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm 2015 trong công tác cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; lãnh đạo phòng Tín dụng Agribank Bình Định đã lưu ý một số nội dung tại các văn bản quy định, hướng dẫn của cấp trên trong cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và trao đổi về quy trình nghiệp vụ cho vay, hồ sơ cho vay đối với khách hàng và các nội dung khác có liên quan.
Về kết quả bước đầu triển khai, đến nay các chi nhánh trực thuộc Agribank Bình Định đã nhận được đăng ký vay vốn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của 21 ngư dân. Chi nhánh cũng đã phản ánh, kiến nghị với các ngành, các cấp tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi trong công tác cho vay phát triển thủy sản. Trước mắt các cơ quan chức năng sớm ban hành bộ tiêu chí, định mức đóng từng loại tàu, ngư lưới cụ, máy móc thiết bị cho từng ngành nghề để ngân hàng có cơ sở thẩm định cho vay và thông báo danh sách một số cơ sở mua bán máy móc thiết bị, ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt hải sản có uy tín cho ngư dân và ngân hàng biết để thực hiện giải ngân mua sắm máy móc thiết bị, ngư lưới cụ kịp thời và đúng quy định.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc cho các chủ tàu vay vốn nâng cấp tàu cá không chỉ giúp người dân có việc làm ổn định, phát triển kinh tế mà còn là nguồn động viên lớn đối với những ngư dân đang ngày đêm bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo. Đây được xem là hành động rất ý nghĩa của Agribank nói chung, chi nhánh Bình Định nói riêng.
M.Phượng