+Aa-
    Zalo

    Afghanistan chìm trong khủng hoảng: Nhiều gia đình bán con vì không có tiền trả nợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tuyệt vọng tìm cách nuôi gia đình ở Afghansitan, Sahela đã phải bán cô con gái 3 tuổi cho người đàn ông đã cho cô vay tiền.

    Bán con trả nợ

    Cuộc sống của người dân Afghanistan đang ngày càng khó khăn do cuộc khủng hoảng nhân đạo kể từ sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào giữa tháng 8 vừa qua. Sự kiện này đã kéo theo việc Mỹ đóng băng khoản tiền gần 9 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Afghansitan, đồng thời nhiều quốc gia và tổ chức thế giới tuyên bố tạm ngừng viện trợ cho quốc gia Nam Á này.

    Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc, khoảng 95% người Afghanistan hiện không đủ ăn, việc này cảnh báo "người dân đang bị đẩy đến bờ vực của sự sống còn". Liên Hợp Quốc dự đoán nếu tình hình này còn tiếp diễn gần như toàn bộ dân số 40 triệu người của Afghanistan có thể trở nên nghèo khổ vào vài tháng tới. 

    Đằng sau những con số này, bi kịch thực tế của các gia đình Afghanistan còn khủng khiếp hơn. Điển hỉnh là gia đình của cô Saleha. Được biết, Saleha và chồng cô trước đây từng làm việc tại một trang trại ở tỉnh Badghis nhưng cặp đôi đã mất thu nhập vì chiến tranh và hạn hán. Sau đó, gia đình cô đã phải vay tiền để mua đồ ăn sống qua ngày và chuyển đến một khu tập thể những người di cư có tên Shahrak Sabz ở Herat với hy vọng tìm kiếm công việc mới. 

    khung hoang afghanistan 1
    95% người ở Afghanistan hiện không đủ ăn. Ảnh: WSJ

    Tại đây, cô Saleha, một bà mẹ 6 con, kiếm được 70 xu mỗi ngày nhờ công việc dọn dẹp nhà cửa ở một khu phố giàu có của Herat. Cô là người duy nhất kiếm tiền nuôi gia đình vì chồng cô vẫn chưa có việc làm. 

    Tuy nhiên, tình hình đã ngày càng khó khăn kể từ khi Taliban tiếp quản đất nước. Do hệ thống tài chính và thương mại bị tê liệt, giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản như bột mì và dầu đã tăng gấp đôi kể từ giữa tháng 8. Trong khi đó, chủ nợ của cô nói rằng ông sẽ xoá nợ nếu cô chịu giao con của mình cho ông. Và thế là cô Saleha đã quyết định gán cô con gái 3 tuổi cho chủ nợ vì không có năng lực chi trả khoản nợ 550 USD. 

    Được biết, gia đình Saleha có 3 tháng để hoàn lại số tiền đã vay nếu không con gái cô sẽ ở lại nhà chủ nợ vĩnh viễn. Cô bé có thể sẽ phải làm người giúp việc, lau dọn nhà cửa hoặc sẽ kết hôn với 1 trong 3 người con của chủ nhà khi cô tới tuổi dậy thì. 

    Tâm sự về khó khăn hiện tại, cô Saleha tuyệt vọng: "Nếu cuộc sống tiếp tục tồi tệ như vậy, tôi cảm thấy tôi sẽ giết chết các con và chính bản thân mình. Tôi thậm chí còn không biết chúng tôi sẽ ăn gì tối nay".

    Trong khi đó, chồng cô, anh Abdul Wahab nói: "Tôi sẽ cố gắng kiếm thêm tiền để chuộc lại con gái".

    Chủ nợ của gia đình cô Saleha, ông Khalid Ahmad thừa nhận ông đã đưa ra lời đề nghị trên với cặp đôi. Ông cho biết: "Tôi cũng không có tiền. Họ đã không trả tiền lại cho tôi. Vì vậy, tôi không còn cách nào khác toàn việc lấy một người con của cô ấy". 

    khung hoang afghanistan 2
    Kinh tế khó khăn lại không có nhiều công việc để làm, phần lớn người Afghanistan hiện nay chỉ có thể thu gom chai nhựa để bán tái chế. Ảnh: WSJ

    Kể từ Taliban tiếp quản, các nước láng giềng Pakistan và Iran, nơi nhiều người đàn ông từ Afghanistan từng làm thuê, đã đóng cửa biên giới của họ để ngăn làn sóng người tị nạn. Tất cả những gì còn lại đối với người Afghanistan là công việc thu gom chai nhựa và các loại rác khác để bán tái chế. Không chỉ gia đình của cô Saleha, nhiều gia đình khác đã phải giao con để trả nợ vì không có năng lực tài chính. 

    Khủng hoảng trong mọi lĩnh vực

    Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan đang gây ra một cuộc tranh luận trong cộng đồng quốc tế. Trong khi đó Bộ trưởng Y tế mới của Afghanistan, một bác sĩ tiết niệu được Taliban bổ nhiệm và là một trong số ít những người không phải là giáo sĩ trong chính quyền mới, đã cầu xin cộng đồng quốc tế đừng từ bỏ đất nước của họ.

    Các nhóm như Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và Liên hợp quốc cảnh báo rằng viện trợ nhân đạo là khẩn cấp phải là vô điều kiện. Mặc dù điều quan trọng là đảm bảo quyền lợi của phụ nữ dưới sự cai trị của Taliban nhưng họ cho rằng, ưu tiên cấp bách hơn vẫn là đảm bảo phụ nữ không bị chết cóng hoặc chết đói trong mùa đông này.

    khung hoang afghanistan
    Hình ảnh nhiều người phụ nữ Afghansitan ngồi xin ăn bên ngoài một cửa hàng bánh. Ảnh: WSJ 

    Trước khi Taliban tiếp quản đất nước, khoảng 2.300 bệnh viện và phòng khám ở Afghanistan hoạt động phụ thuộc vào nguồn tài trợ của nước ngoài. Tuyenhiên, ông Richard Brennan, Giám đốc cấp cứu khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết chỉ có 17% trong số đó hiện có đầy đủ chức năng còn 64% hết thuốc thiết yếu. 

    Viện trợ quốc tế cũng được dùng để trả lương cho hàng chục nghìn bác sĩ, y tá và giáo viên, hiện đang phải vật lộn để kiếm sống.

    Tại Herat, một trung tâm cấp cứu cho trẻ suy dinh dưỡng nghiêm trọng do tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới của Pháp điều hành đã kín chỗ và phải mở rộng công suất. Trẻ sơ sinh đến với tình trạng suy hô hấp, mất nước và sốc. Mẹ của các em đã không nhận được đủ chất dinh dưỡng đến mức họ không có sữa cho con. 

    Tại Bệnh viện Herat, các nhân viên y tế dọa sẽ nghỉ việc sau 4 tháng liền không được trả lương. Bệnh viện của chính phủ đã hết các loại thuốc thông thường như thuốc kháng sinh và các vật tư cơ bản như găng tay phẫu thuật và băng gạc. Oxy cũng đang thiếu hụt. Bệnh nhân phải tự mua thuốc, thuốc mê và các vật dụng cần thiết khác cho ca phẫu thuật.

    Tiến sĩ Mohammad Aref Jalali, giám đốc bệnh viện chia sẻ: "Tôi hy vọng chúng ta không quay lại tình trạng của 25, 30 năm trước, thời điểm về cơ bản không có cơ sở y tế nào ở đất nước này. Chúng tôi có thể mất tất cả những gì chúng tôi đã đạt được".

    Minh Hạnh(Theo Wall Street Journal)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/afghanistan-chim-trong-khung-hoang-nhieu-nguoi-ban-con-de-ton-tai-a516578.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan