Đứng nhất toàn đoàn với số huy chương vượt trội song đó không phải thành công lớn nhất của Việt Nam tại Đại hội thể thao Bãi biển châu Á lần 5.
Công tác tổ chức được đánh giá cao
Những trục trặc trong lễ bế mạc không hề làm giảm đi thực tế rằng BTC ABG5 nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng đã tổ chức một sự kiện thành công về nhiều mặt.
Với nguồn kinh phí eo hẹp, BTC thực sự đã phải chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành các công trình, địa điểm thi đấu. Ngoài ra, việc tổ chức ABG5 đúng vào thời điểm mưa lũ cũng khiến nhiều người lo lắng. Thực tế, cơn bão số 4 đổ bộ vào Đà Nẵng trước lễ khai mạc cũng khiến một số địa điểm thi đấu chịu thiệt hại.
Trước những khó khăn, sự cố gắng, nỗ lực không thể phủ nhận của BTC, nhất là TP đăng cai Đà Nẵng, đã tạo ra một giải đấu thành công.
Giám đốc truyền thông Ủy ban Olympic châu Á (OCA) Jeans Zhou Jian dành nhiều lời khen với công tác tổ chức chung và nhấn mạnh sự hài lòng về công tác truyền thông, tình nguyện viên trong khi Bộ trưởng Du lịch – Thể thao Thái Lan Kobkarn Wattanavrang nói rằng “không có điểm gì chê trách”.
Bên cạnh đó, ABG 5 còn đem đến ấn tượng cho bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam với nhiều chương trình phụ trợ đầy bên lề đầy màu sắc như "Vũ hội đường phố", "Không gian văn hóa cộng đồng", "Đêm Mỹ Khê"…
Ngoài ra, để đánh giá chất lượng giải đấu, một trong những yếu tố quan trọng khác là khán giả. Về khía cạnh này, ABG5 có thể tự hào.
Trong hơn 10 ngày diễn ra đại hội, các địa điểm thi đấu luôn chứng kiến một lượng lớn khán giả tới theo dõi. Nếu như những môn truyền thống bãi biển như bóng chuyền, bóng ném, bóng đá thu hút vài nghìn khán giả là chuyện thường thì ở cả những môn mới lạ như kabaddi, jiu-jitsu, lượng người hâm mộ đến sân đấu cũng rất ấn tượng.
Yếu tố chuyên môn chỉ là thứ yếu
Mọi thứ dường như càng trở nên “viên mãn” với nước chủ nhà khi Việt Nam xếp hạng nhất toàn đoàn với 139 huy chương, trong đó có 52 HCV, 44 HCB và 43 HCĐ, bỏ xa đoàn xếp thứ 2 là Thái Lan (36 HCV) và thậm chí là còn đứng trên Trung Quốc (12 HCV).
Mặc dù vậy, cần thừa nhận rằng, tuy là đại hội do OCA sáng lập nhưng đây thực chất chỉ là giải thể thao bổ sung cạnh ASIAD, với mục đích để đáp ứng xu hướng mới của thể thao là gắn kết với du lịch. Do đó, vấn đề chuyên môn không phải đích nhắm chính, thay vào đó là yếu tố giải trí, văn hóa.
Nói như vậy không có nghĩa là đánh giá thấp công sức của các VĐV. Mỗi tấm huy chương đều mang lại những giá trị riêng, song có môt thực tế không thể phủ nhận là chất lượng của ABG chỉ ở mức trung bình, thậm chí kém xa SEA Games chứ chưa nói tới ASIAD, Olympic.
Điều này cũng dễ hiểu khi các nước và nhất là những cường quốc thể thao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc không cử lực lượng mạnh nhất dự giải, thay vào đó chủ yếu là tuyển thủ trẻ hoặc những VĐV không nằm trong ĐTQG. Thẳng thắn mà nói, lần tới Việt Nam này đối với với họ chẳng khác gi một chuyến dạo chơi, đúng ý nghĩa quảng bá du lịch mà ABG hướng tới!
Trong khi các quốc gia mạnh không mấy mặn mà với ABG và đều đã “bung sức” choOlympic 2016 thì Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả về chất và số lượng (320 VĐV, đông nhất ABG), để rồi chủ nhà xếp trên cả Hàn Quốc hay Nhật Bản, mỗi quốc gia chỉ giành được 1 HCV tại đại hội lần này.
Ngoài ra, với tư cách chủ nhà, Việt Nam cũng có nhiều lợi thế giành huy chương khi tổ chức nhiều nội dung thi đấu ở những môn thế mạnh như vovinam, võ cổ truyền, pencak silat hay đá cầu, trong đó, đá cầu vô địch tuyệt đối ở cả 7 nội dung.
Nỗ lực của các VĐV, HLV là điều cần được ghi nhận nhưng 52 HCV và thành tích nhất toàn đoàn tại ABG5 không đồng nghĩa với một bước tiến lớn về mặt chuyên môn.
“Còn hạn chế trong việc phát triển những môn đúng chất biển”
Sau khi dành lời khen về thành tích của TTVN tại ABG5, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng thẳng thắn nhận xét: “Chúng ta tổ chức nhiều môn thể thao nhưng chủ yếu là những môn trên bãi biển hoặc đưa từ trong nhà ra bãi biển thi đấu, còn việc tổ chức những môn thi đấu dưới nước vẫn gặp nhiều hạn chế do khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị”.
“Các VĐV của Việt Nam cũng chưa có điều kiện tiếp cận, tập luyện nhiều những môn thể thao như đua thuyền buồm, lướt sóng. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ có những hướng dẫn cho các Sở, ban ngành, địa phương để tạo điều kiện cho các VĐV làm quen, có cơ hội rèn luyện nhiều hơn với những môn thể thao dưới nước”.
Quân Võ
Nguồn: Webthethao
Video đang được xem nhiều: [mecloud]TkvzB00sUo[/mecloud]