Trước sự việc Á hậu, MC liên quan đến đường dây bán dâm nghìn đô, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, những cô giành được danh tiếng từ các cuộc thi sắc đẹp và đi bán dâm, họ mang trong mình suy nghĩ, mỗi chiếc vương miện có được thì thương hiệu của họ càng lên cao đồng thời giá "đi khách" cũng tăng chóng mặt.
Mới đây, cơ quan chức năng vừa triệt phá đường dây bán dâm nghìn USD chấn động dư luận. Điều khiến nhiều người sốc hơn khi 2 “chân dài” bán dâm tại khách sạn ở Q.1 là Á hậu và MC có tiếng.
Trước những ồn ào dư luận về sự việc này, dưới góc độ văn hóa, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn nhanh với PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền).
PV: Thưa PGS.TS Phạm Ngọc Trung, quan điểm của ông như thế nào về việc một số người đẹp, Á hậu, MC bán dâm kiếm tiền?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Với những người bình thường việc bán dâm cũng là suy đồi đạo đức huống chi đây là người đẹp, Á hậu hay MC. Dù ít hay nhiều những người đẹp này đã được đào tạo qua các cuộc thi, được vinh danh và không ít công chúng biết đến. Điều đương nhiên là họ phải biết giữ gìn cái danh hiệu mà mình đã nỗ lực bao năm để đạt được. Thế nhưng, họ đã đánh mất chỉ vì đồng tiền.
Mặc dù đây là một con số rất nhỏ, chỉ 5% đến 10% người đẹp bị biến chất, tha hóa và “sinh hoạt” theo những đường dây bán dâm kiếm tiền. Nhưng đây cũng không phải lần đầu những MC, Á hậu, người đẹp bị bắt vì tội bán dâm, mà đã không dưới 3 lần một số người đẹp “góp phần” vào những đường dây bán dâm.
“Chân dài” bán dâm tại khách sạn ở Q.1 là Á hậu, diễn viên, MC C.V có tiếng. |
PV: Phải chăng, các người đẹp khi được gắn với các danh hiệu cuộc thi có tiếng thường phải đối mặt với lựa chọn “chông gai” thưa PGS.TS Phạm Ngọc Trung?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Từ xưa đến nay, rất nhiều người đẹp Việt là Hoa hậu, Á hậu, MC nổi tiếng nhưng họ vẫn giữ gìn được hình ảnh và phẩm chất đạo đức của mình. Họ tham gia hoạt động từ thiện, nâng cao trình độ, vốn hiểu biết những mong văn hóa Việt được đến bạn bè năm châu. Thậm chí trải qua bao nhiêu năm nhưng họ vẫn được công chúng yêu mến và ngưỡng mộ.
Nhưng hiện nay, một số ít được vinh danh người đẹp đã lợi dụng danh hiệu đó để hoạt động vi phạm pháp luật.
PV: Á hậu, MC nổi tiếng có tên trong danh sách đường dây mại dâm vừa qua đang gây bức xúc dư luận. Theo ông đâu là nguyên nhân chính để những người đẹp này vì tiền mà đánh đổi thân xác?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Có một thực tế cho thấy rằng, những cô giành được danh tiếng từ các cuộc thi sắc đẹp và đi bán dâm, họ mang trong mình suy nghĩ, người bình thường sẽ được trả giá ít hơn, có danh hiệu cái giá sẽ cao hơn rất nhiều. Sau mỗi chiếc vương miện có được thì thương hiệu của họ càng lên cao đồng thời giá "đi khách" cũng tăng chóng mặt.
Cũng có thể ban đầu khi mới nổi tiếng, đạt danh hiệu họ chưa xuất hiện những hành động tiêu cực. Nhưng do cuộc sống buông lỏng, không kiên định trước cám dỗ từ nhà lầu, xe hơi, mặc hàng hiệu, chuyến du lịch đắt tiền nên xuôi theo sự gạ gẫm kiếm tiền nhẹ nhàng từ “tú bà” trong đường dây môi giới mại dâm. Họ nghĩ, việc nhẹ, lương cao nên đã lắc đầu cho qua danh hiệu cao quý đó. Suy nghĩ này thật sự đáng buồn!
PV: Với sự việc Á hậu, MC bị bắt vì bán dâm, hình ảnh của người đẹp Việt sẽ bị ảnh hưởng như thế nào thưa PGS.TS Phạm Ngọc Trung?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Như tôi đã nói, dù danh hiệu Hoa hậu, Á hậu ở các cuộc thi trong nước hay nước ngoài thì họ đã là người của công chúng. Khi ấy, họ phải biết giữ gìn hình ảnh của mình như thế nào. Vì vị trí, vẻ đẹp ấy không chỉ cho cá nhân họ mà còn cho thế hệ trẻ Việt Nam nữa.
Với thực trạng này, chúng ta dễ dàng nhận thấy “con sâu làm rầu nồi canh” làm cho hình ảnh, văn hóa Việt phần nào bị nghĩ theo hướng sai lệch.
Tôi nghĩ, các cơ quan quản lý cần xử lý mạnh tay những người này. Bởi họ đang không thấy được về mặt đạo đức dần suy đồi, mất đi hình ảnh của người đẹp Việt nói chung, không phải riêng của một Á hậu, MC.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Mai Hằng/Người Đưa Tin