(ĐSPL) - Tiến hành dừng chiếc taxi để kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 86 kg pháo lậu từ Trung Quốc vào nội địa tiêu thụ.
Theo báo An ninh thủ đô, trước đó, ngày 22/1, Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Trà Lĩnh và Công an huyện Trà Lĩnh làm nhiệm vụ tại xóm Tổng Moòng, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh phát hiện chiếc xe taxi biển kiểm soát 20A-167.99 có biểu hiện nghi vấn đã tiến hành kiểm tra. Tại đây, tổ công tác phát hiện trên xe có 86 kg pháo hoa nhập lậu từ Trung Quốc.
Qua khai thác, các đối tượng gồm: Nguyễn Văn Tân (22 tuổi, trú tại huyện Thạch Thành, Thanh Hóa); Nguyễn Xuân Mai (21 tuổi), và Nguyễn Văn Hoàn cùng trú tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên khai nhận số pháo hoa trên được nhập lậu từ Trung Quốc để đưa về Thái Nguyên tiêu thụ.
Các đối tượng và tang vật vụ án - Ảnh: báo ANTĐ |
Tổ công tác đã lập biên bản và hoàn tất hồ sơ để chuyển Cơ quan CSĐT- CAH Trà Lĩnh tiếp tục điều tra làm rõ.
Liên quan đến tình hình buôn lậu pháo tại biên giới Cao Bằng, báo Hải Quan thông tin, thời điểm cận Tết Nguyên đán luôn là dịp có nhiều diễn biến phức tạp.
Ngay trong những ngày đầu tháng 1/2017 (cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu), Chi cục Hải quan cửa khẩu Sóc Giang và Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng (Cục Hải quan Cao Bằng) đã phát hiện, bắt giữ và tiến hành khởi tố vụ án hình sự 3 vụ buôn lậu pháo, với tổng trọng lượng hơn 80 kg pháo các loại có xuất xứ Trung Quốc.
Điều 153. Tội buôn lậu (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào buôn bán trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này; b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá; c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 154, 155, 156, 157, 158,159,160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; đ) Hàng cấm có số lượng rất lớn; e) Thu lợi bất chính lớn; g) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác; h) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; i) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; k) Phạm tội nhiều lần; l) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Vật phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; b) Hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn; c) Thu lợi bất chính rất lớn; d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Vật phạm pháp có giá trị từ một tỷ đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)