Sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Hồ Nam, Lưu Kỳ (SN 1984) sớm nhận thức được rằng con đường học vấn là chiếc chìa khóa duy nhất để mở cánh cửa thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Trí tuệ hơn người đã giúp cậu bé trở thành niềm hy vọng của gia đình và cả ngôi làng nhỏ.
Thủ khoa được nhiều người nể phục
Từ nhỏ, Lưu Kỳ đã thể hiện sự tự lập đáng kinh ngạc trong học tập, luôn đứng đầu lớp mà không cần cha mẹ nhắc nhở. Tuy nhiên, khi bước vào lớp 6, cuộc sống của cậu bé rẽ sang một hướng khác. Cha mẹ đi làm ăn xa, Lưu Kỳ phải tự mình đối mặt với mọi thứ, từ việc học đến việc nhà. Cậu bé thiếu niên sống trong ngôi nhà vắng lặng, chỉ có sách vở làm bạn. Suốt những năm trung học, Lưu Kỳ gần như không được cảm nhận hơi ấm tình thương của cha mẹ, chỉ có nỗi cô đơn luôn thường trực.
Dù luôn đạt điểm số cao và đứng đầu lớp, Lưu Kỳ chưa bao giờ thể hiện niềm vui. Khuôn mặt anh luôn đượm buồn, ít nói và khép kín. Bạn bè cùng lớp từng ví von rằng, việc thấy Lưu Kỳ cười còn khó hơn làm bài kiểm tra. Anh lớn lên trong sự cô độc, thiếu vắng tình cảm gia đình và bạn bè.
Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài lặng lẽ ấy là một ý chí mạnh mẽ và sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Năm 2002, Lưu Kỳ bước vào kỳ thi đại học và xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa toàn tỉnh Hồ Nam, mang lại niềm tự hào cho gia đình và quê hương.
Đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm thần
Thành tích thủ khoa mở ra cánh cửa vào những trường đại học hàng đầu Trung Quốc như Thanh Hoa hay Bắc Kinh, nhưng Lưu Kỳ lại có một quyết định khác. Anh lựa chọn Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh, một hướng đi ít ai ngờ tới. Quyết định này khiến nhiều người bất ngờ và đặt ra nhiều câu hỏi về dự định tương lai của chàng trai trẻ.
Lưu Kỳ từng chia sẻ, ngành học này không phải là lựa chọn ban đầu của anh. Cha mẹ, tin tưởng vào khả năng khoa học kỹ thuật của con trai, đã định hướng anh theo đuổi ngành này với hy vọng về một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, những năm tháng đại học đã không diễn ra như mong đợi. Lưu Kỳ trở nên mờ nhạt, đánh mất niềm đam mê học tập từng cháy bỏng thuở nhỏ. Không còn ai biết đến hay chú ý đến anh, không thành tích, không giải thưởng, Lưu Kỳ như một cái bóng lặng lẽ trong ngôi trường rộng lớn.
Sau khi tốt nghiệp, Lưu Kỳ tìm được một công việc ổn định tại một doanh nghiệp lớn, tuy nhiên vị trí nhân viên cấp thấp với mức lương không cao đã không đáp ứng được kỳ vọng của anh. Mong muốn tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn, Lưu Kỳ quyết định từ bỏ công việc hiện tại và bắt đầu hành trình tìm việc mới.
Chuyến đi đến các thành phố lớn như Quảng Châu, Thượng Hải,... đã không mang lại kết quả như mong đợi. Lưu Kỳ liên tục bị từ chối vì thiếu kinh nghiệm. Những thất bại liên tiếp khiến anh ngày càng chán nản và tuyệt vọng.
Kiệt quệ sau chuỗi ngày dài bôn ba nơi thành thị, Lưu Kỳ quyết định trở về quê nhà để tìm lại sự bình yên. Tuy nhiên, sự trở về này lại đánh dấu một giai đoạn đầy bế tắc trong cuộc đời anh. Lưu Kỳ khép mình trong bốn bức tường, không làm việc, không giao tiếp với ai. Thời gian trôi qua, chàng thủ khoa năm nào giờ đây đã thất nghiệp suốt 9 năm.
Thất bại liên tiếp khiến Lưu Kỳ rơi vào vòng xoáy tự ti, khép mình trong nhà và từ chối mọi cơ hội việc làm, dù là những công việc đơn giản. Sự kỳ vọng quá lớn vào bản thân, với suy nghĩ "thủ khoa đại học phải làm công việc tương xứng", đã tạo nên mâu thuẫn giữa anh và cha mẹ. Tính cách Lưu Kỳ trở nên cáu bẳn, khác hẳn với con người hiền lành trước đây.
Nhận thấy những biểu hiện bất thường của con trai, cha mẹ Lưu Kỳ đưa anh đi khám và phát hiện anh mắc chứng trầm cảm dẫn đến tâm thần phân liệt. Tình yêu thương và sự quan tâm của gia đình đã dần kéo Lưu Kỳ ra khỏi bóng tối. Anh bắt đầu học hỏi những kiến thức mới về điện tử, thực hiện một số phát minh nhỏ. Dần dần, với sự động viên của mọi người xung quanh, Lưu Kỳ đã mở lòng hơn, hòa nhập với xã hội và quyết tâm làm lại cuộc đời.