Bình cứu hỏa
Đây có lẽ là sản phẩm cứu hỏa quen thuộc nhất. Tuy nhiên, bình cứu hỏa có phần khó sử dụng hơn, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện hỏa hoạn, mọi người thường dễ mất bình tĩnh và rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Để sử dụng bình cứu hỏa, bạn cần: Lắc bình cho bột tơi ra - Kéo chốt an toàn - Hướng vòi phun về phía đám cháy - Bấm chặt đòn bẩy để phun bọt.
Một bình cứu hỏa thường nặng khoảng 4 - 5.5kg, có giá dao động trong khoảng 225.000đ - 350.000đ, phạm vi phun xa khoảng 4-5m.
Lưu ý quan trọng khi mua bình cứu hỏa: Bạn cần chọn nơi bán uy tín, có giấy chứng nhận và xuất xứ rõ ràng. Cần đặc biệt lưu tâm tới hạn sử dụng của sản phẩm vì bình cứu hỏa có hạn sử dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày sản xuất.
Thiết bị dò khí độc carbon monoxide (CO)
Không màu và không mùi, CO được gọi là “sát thủ thầm lặng”. Người ta không nhìn thấy, cũng không ngửi thấy loại khí này, nên có thể ngất xỉu, mất ý thức trong khi có hỏa hoạn và vì vậy không thể thoát ra ngoài. Một chiếc máy dò khí độc CO sẽ kêu báo hiệu khi nồng độ CO tăng lên, giúp người trong nhà có thời gian để sơ tán. Máy này thường nhỏ gọn, có thể cắm trực tiếp vào ổ điện và/ hoặc dùng pin nên rất tiện.
Bóng chữa cháy AFO
Thông thường, khi nhắc tới các vật dụng dập lửa, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới bình cứu hỏa. Tuy nhiên, bóng ném cứu hỏa là vật dụng mà chúng tôi đánh giá là dễ sử dụng hơn, đặc biệt với phụ nữ.
Khi xảy ra hỏa hoạn, bạn chỉ cần ném bóng AFO vào đám cháy là đã có thể dập lửa. Khi gặp nhiệt độ trên 70 độ C, bóng sẽ tự động kích hoạt, phun bột dập tắt đám cháy, ngăn ngọn lửa lan rộng thành đám cháy lớn hơn.
1 quả bóng chữa cháy AFO nặng 1.3kg, có giá khoảng 160.000đ/quả, phạm vi chữa cháy trong khoảng 8-10 mét.
Lưu ý quan trọng khi mua bóng chữa cháy AFO: Bạn cần chọn nơi bán uy tín, có giấy chứng nhận và xuất xứ rõ ràng. Cần đặc biệt lưu tâm tới hạn sử dụng của sản phẩm vì bóng chữa cháy AFO có hạn sử dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày sản xuất.
Còi báo hiệu
Một chiếc còi báo hiệu được đặt ở chỗ dễ lấy trong nhà là rất quan trọng trong các trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn. Nó tạo ra âm thanh dễ chú ý, khiến đội cứu hộ hoặc người dân bên ngoài dễ xác định được là có người đang cần cứu.
Mặt nạ chống khói PCCC
Cần phân biệt rõ ràng giữa mặt nạ chống khói PCCC và các loại mặt nạ phòng độc thông thường. Mặt nạ chống khói PCCC có sẵn khí Oxy bên trong, giúp người gặp nạn có O2 để thở, tránh tình trạng ngạt khói dẫn tới tử vong. Ngoài ra, phần mắt được làm trong suốt để đảm bảo người dùng có thể nhìn rõ đường đi, thoát hiểm.
Một chiếc mặt nạ chống khói PCCC có giá 180.000đ, có hạn sử dụng 3 năm kể từ ngày sản xuất.
Thang dây
Trong trường hợp gia đình bạn đang sống tại các chung cư cao tầng, thang dây thoát hiểm là vật dụng không thể thiếu để thoát thân nếu chẳng may có đám cháy. Giá đỡ của thang dây thoát hiểm được làm bằng thép và sơn tĩnh điện cao cấp, có thể chịu được trọng lượng 450kg, cho phép nhiều người leo xuống cùng 1 lúc.
Một chiếc thang dây thoát hiểm có chiều dài dao động từ 15-30 mét, giá dao động trong khoảng 336.000đ - 655.000đ.
Kìm cộng lực cắt sắt
Để có thể sử dụng thang dây thoát hiểm, đôi khi bạn sẽ cần phải phá khung sắt của cửa sổ. Trong hoàn cảnh đó, kìm cộng lực cắt sắt là sản phẩm không thể thiếu nếu trong gia đình có đàn ông sức dài vai rộng.
Một chiếc kìm cộng lực cắt sắt có giá dao động trong khoảng 150.000đ - 300.000đ.
Màng co
Cuộn màng nylon bọc thực phẩm thực sự có thể rất có ích trong trường hợp hỏa hoạn nhỏ. Nếu chẳng may bị bỏng (không nghiêm trọng), sau khi xả nước mát vào vùng da bị bỏng, bạn hãy dùng màng nylon bọc tạm chỗ bị bỏng lại trước khi đến cơ sở y tế.
Bạn không nên quấn chặt vết bỏng mà chỉ cần phủ một lớp màng co lớn lên vết thương rồi ép phần nylon thừa cho gọn vào (như trong ảnh). Có thể làm như vậy vài lần để có vài lớp nylon sạch che lên vết bỏng. Việc này sẽ giúp vùng da đó sạch và có độ ẩm, tránh nhiễm trùng và còn che được cả những dây thần kinh có thể đang bị tổn thương do bỏng nữa. Bởi nếu vết bỏng không được giữ sạch trong lúc hỏa hoạn là có thể bị nhiễm trùng rất nguy hiểm.
Thùy Dung(T/h)