Nhiều chị em do không kiềm chế được cảm xúc nên thường nói những lời làm ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ em.
Hoàn toàn sai
"Con lúc nào cũng...", "Con không bao giờ...". Ở trung tâm của những câu nói này là những “cái nhãn” có thể được gắn vào con trẻ suốt cả đời. Nếu cha mẹ thường xuyên trách cứ con rằng bé “luôn luôn” quên rửa tay trước khi ăn, có thể khiến con dễ trở thành một người sau này không bao giờ rửa tay trước khi ăn. Thay vì thế, hãy hỏi con xem bạn có thể giúp con thay đổi bằng cách nào: "Mẹ để ý thấy hình như con ít nhớ được việc rửa tay trước khi ăn. Mẹ con mình thử nghĩ xem có giải pháp nào hay hay để con nhớ tốt hơn không nhé!" Như vậy sẽ tốt hơn cho bé rất nhiều.
Tự làm tất cả
"Cách làm không phải như thế! Đây, để mẹ làm cho". Bạn nhờ con mình làm một việc gì đó, nhưng bé lại làm không tốt lắm. Thật khó mà kiềm chế để không nhảy vào và tự làm lấy cho xong, nhưng như thế sẽ là một sai lầm, vì nếu cái gì bạn cũng tự làm cho nhanh, thì con bạn sẽ không bao giờ học được cách làm, và sau này sẽ ít chịu thử bất kỳ việc gì khác khi bạn nhờ. Nếu thực sự cần, bạn có thể can thiệp vào việc con đang làm, nhưng theo cách hợp tác thay vì phủ nhận việc làm của con: "Đây, để mẹ cho con xem một "tuyệt chiêu" mà mẹ học được trên tivi về việc gấp quần áo nhé! Rất dễ con ạ, con có thể làm y hệt”.
So sánh
Sự cạnh tranh giữa anh chị em là điều rất khó tránh – và bất kỳ câu gì cha mẹ nói gợi lên sự so sánh thì chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Sự so sánh luôn đặt những đứa con của bạn vào các "thư mục": đứa thông minh, đứa chậm chạp, đứa năng động… Và vô hình dung, bạn sẽ khiến con mình nản chí, không muốn thử những việc mà anh/chị mình giỏi hơn. Tốt nhất, bạn có thể thử khuyến khích mỗi đứa con theo đuổi sở trường và sở thích của mình, và không so sánh con với bất kỳ ai, nhất là những người thân xung quanh bé.
"Để mẹ giúp"
Khi trẻ đang chơi giải câu đố, bạn sẽ muốn giúp đỡ trẻ. Đừng làm như vậy! Vì sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của trẻ, bé sẽ luôn trông đợi vào câu trả lời của người khác. Thay vì đó, hãy đặt các câu hỏi giúp trẻ giải quyết vấn đề như “Liệu có nên đặt miếng lớn và miếng nhỏ này ở phần dưới chân không con? Sao con lại nghĩ vậy? Con hãy thử xem sao”.
"Chúng ta không đủ tiền mua đâu"
Câu nói này có thể khiến con nghĩ rằng bạn không thể kiểm soát được tài chính. Hãy dùng cách khác để truyền đạt, chẳng hạn như “Chúng ta sẽ không mua món đồ này vì chúng ta đang tiết kiệm tiền cho những thứ quan trọng hơn”. Nếu con đòi thảo luận về vấn đề này, bạn sẽ có cơ hội để trò chuyện với con về cách chi tiêu và quản lý tiền bạc.
"Con giỏi nhất"
"Con của mẹ giỏi nhất" câu nói này khiến cho trẻ hình thành tính tự tin quá mức khiến trẻ lúc nào cũng nghĩ chúng là nhất, nên sau này càng lớn bạn càng khó bảo ban con của mình.
"Con phải được thế này... "
Chị em không nên ép buộc những đứa trẻ phải được thế này phải được thế kia, như vậy sẽ tạo ra một áp lực tâm lý rất lớn khiến trẻ luôn bị rơi vào tình trạng mệt mỏi, mất tự tin khi không thể đạt được những điều bố mẹ mong muốn.
"Con không được làm..."
Một đứa trẻ phát triển tuân theo quy luật của tự nhiên, chị em không thể áp đặt trẻ vào khuôn khổ của người lớn. Khi không hài lòng với trẻ chị em có thể dùng một cách nhẹ nhàng hơn chẳng hạn hỏi trẻ "sao con lại làm thế..." rồi phân tích cho trẻ.