Tờ New York Post ngày 8/7 (giờ địa phương) cho biết, tính đến mùa hè năm nay, muỗi mang virus Tây sông Nile đã được phát hiện ở ít nhất 7 bang trên toàn nước Mỹ.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ,, trong số 7 bang được phát hiện có muỗi mang virus Tây sông Nile, có 4 bang đã phát hiện ca nhiễm ở người Iowa, Illinois, Arkansas và Arizona.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ chỉ ra rằng virus Tây sông Nile thường lây nhiễm sang người qua vết muỗi đốt, trong trường hợp nặng có thể gây sốt cao, tê liệt, thậm chí tử vong. Virus Tây sông Nile xâm nhập Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 1999. Năm 2012, dịch virus Tây sông Nile ở Mỹ đã gây ra hơn 2.000 ca nhiễm trùng và hơn 200 ca tử vong.
Virus tây sông Nile là một loại virus lây truyền qua muỗi. Hầu hết những người nhiễm virus đều không có triệu chứng, kể cả triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như sốt hoặc đau đầu nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể đe doạ tính mạng như nhiễm trùng thần kinh nặng, viêm tuỷ sống hay viêm não. Triệu chứng của sốt tây sông Nile thường kéo dài vài ngày, nhưng triệu chứng viêm não hay viêm màng não có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Yếu cơ có thể tồn tại vĩnh viễn.
Trong một diễn biến khác, Mỹ hiện vẫn là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới với 34.676.896 ca nhiễm và 622.213 trường hợp tử vong.
Trong số các ca mắc mới trong hai tuần kết thúc vào ngày 3/7, biến thể Delta chiếm tới 51,7%. Trong khi đó, số ca nhiễm biến thể Alpha hiện giảm và chỉ chiếm 28,7% số ca mắc.
Các dữ liệu báo cáo sơ bộ cho thấy, những loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có của hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna đều có hiệu quả trong phòng bệnh COVID-19. Do đó, Tổng thống Joe Biden đã khuyến khích người dân Mỹ đi tiêm chủng để bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm biến thể nguy hiểm này.
Hoa Vũ (T/h)