+Aa-
    Zalo

    60% bệnh nhân mắc bệnh xơ gan do uống rượu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo thông tin từ bác sĩ khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai, 10 năm trở lại đây tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh xơ gan do uống rượu rượu lên tới 60%.

    Theo thông tin từ bác sĩ khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai, 10 năm trở lại đây tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh xơ gan do uống rượu lên tới 60%, trong đó 20 – 30% xơ gan do rượu có cả viêm gan B, tỉ lệ tử vong cũng khá cao.

    Ghi nhận tại khoa Tiêu hóa vào ngày 7/3, có 6 bệnh nhân xơ gan do rượu trong đó 3 bệnh nhân bị sảng rượu và đang phải cố định chân tay vào thành giường.

    Sảng rượu xuất hiện ở những bệnh nhân nghiện rượu sau khi đã ngừng uống rượu (ngừng nhiễm độc rượu) một thời gian. Hình ảnh lâm sàng được biểu hiện bằng hội chứng mê sảng, bằng các ảo thị giác giống sân khấu rực rỡ, hưng phấn vận động, tăng thân nhiệt.

    Bệnh nhân Đàm Văn Thủy (57 tuổi, Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) có tiền sử 23 năm uống rượu và gần 10 lần nhập viện điều trị. Lần này, bệnh nhân Thủy nhập viện trong tình trạng hôn mê gan, đi ngoài phân đen, run tay.

    Sau 4 ngày điều trị tại khoa Tiêu hóa, bệnh nhân đã ổn định, đi phân vàng, không rơi vào tình trạng sảng rượu, tỉnh táo hơn nhưng xơ gan giai đoạn cuối nên tiên lượng khó.

    “Tôi bỏ rượu được một năm nay rồi, lúc đó sức khỏe đã yếu nhiều. Thời điểm bỏ rượu khó khăn vô cùng vì nhiều lúc lên cơn thèm rượu như người nghiện thèm ma túy. Trước đây mỗi ngày tôi uống gần 650ml rượu trắng do người ở quê tự  nấu. Tôi uống vì nghĩ mình còn khỏe và mỗi lần đi chợ, ngồi với anh em, bạn bè vui vẻ uống chứ không nghĩ tới hậu quả như thế này”, ông Thủy nói.

    60% bệnh nhân mắc bệnh xơ gan do uống rượu.

    Còn với ông Ngô Duy Mùi (Vụ Bản, Nam Định), 50 tuổi nhưng có tiền sử 25 năm uống rượu, nhập viện trong tình trạng nôn ra máu, tay run. Trong quá trình bệnh nhân nằm điều trị tại khoa Tiêu hóa thường xuyên rơi vào tình trạng sảng rượu và các bác sĩ phải cố định chân tay vào thành giường.

    Chia sẻ với phóng viên, bà Đinh Thị Huệ (40 tuổi, vợ bệnh nhân Mùi) cho biết, khoảng 5h sáng ngày 3/3 ông Mùi nôn ra máu 2 – 3 lần. Người nhà đưa ông lên bệnh viện Đa khoa huyện Vụ bản thăm khám nhưng vì tình trạng bệnh nặng nên các bác sĩ ở đây cho chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Tại đây các bác sĩ nghi ông Mùi bị chảy máu thành thực quản nên yêu cầu chuyển tuyến lên bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị.

    Hay trường hợp bệnh nhân Đỗ Văn Tuyến (34 tuổi) nhập viện trong tình trạng sảng rượu, đi ngoài phân đen, vật vã kích thích, la hét. Bệnh nhân trẻ nhưng đã uống rượu nhiều năm với số lượng 500ml rượu trắng/ngày.

    Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định hơn nhưng vẫn còn tình trạng run tay, kích thích nhẹ. Bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối nên tiên lượng sau này khó.

    Chia sẻ với PV, bác sĩ Hoàng Nam – khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bệnh nhân nhập viện liên quan tới rượu lần nào ra viện cũng được tư vấn kĩ về chế độ ăn uống, dinh dưỡng cũng như việc phải bỏ rượu và tái khám định kỳ. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân vẫn không từ bỏ được thói quen cũ là uống rượu với số lượng lớn trong ngày.

    “Đa số bệnh nhân đều quay lại bệnh viện nhiều lần để điều trị trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản”, bác sĩ Nam cho hay.

    Khi tình trạng bệnh ổn định, trở về với gia đình họ lại tiếp tục uống rượu, đến khi xuất huyết tiêu hóa lại vào viện điều trị, không được uống rượu một thời gian họ xuất hiện những cơn sảng rượu gọi là hội chứng sảng rượu.

    Biểu hiện sảng rượu là bệnh nhân lên cơn thèm rượu, họ bắt đầu có biểu hiện run chân tay, nói nhảm thậm chí họ ảo mộng với tất cả và có thể làm bất kì điều gì. Bởi lẽ, tần kinh của họ gắn với rượu, phụ thuộc rượu, không có rượu tay chân run không làm được gì, có rượu dù chỉ một lượng nhỏ họ cũng cảm thấy dễ chịu.

    Trước đó, hàng ngày họ uống rượu có thể 500ml hoặc 1l nhưng ngày nào cũng được uống. Có những người đi đâu cũng chai rượu bên cạnh và uống rượu thay nước lọc.

    Còn với bác sĩ Nguyễn Quát – khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai chia sẻ thêm, việc chữa trị cho những người sảng rượu cũng rất nguy hiểm bởi họ có thể làm bất cứ hành động gì.

    “Cách đây khoảng 2 năm tôi đã từng biết trường hợp bệnh nhân bị sảng rượu cầm dao chém vợ; hay có bệnh nhân bị sảng rượu, khi ảo giác mà nhảy từ tầng 5 xuống tầng 1, có người tử vong vì điều đó.

    Chính vì thế, khi điều trị cho những bệnh nhân rơi vào tình trạng sảng rượu, các bác sĩ như chúng tôi phải rất can đảm. Có lúc cần tới 10 người, cả bảo vệ mới giữ được bệnh nhân và cố định chân tay vào thành giường để đảm bảo trước hết cho người bệnh”, bác sĩ Quát nói.

    Cũng theo bác sĩ Quát, với các trường hợp như trên, tiên lượng, khả năng phục hồi phụ thuộc vào chức năng gan. Có những bệnh nhân xơ gan quá thì khả năng khó còn bệnh nhân chức năng gan còn tốt thì có thể phục hồi nếu họ có thể bỏ được rượu.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/60-benh-nhan-mac-benh-xo-gan-do-uong-ruou-a183295.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan