Nga sắp hoàn tất quá trình thử nghiệm tàu ngầm không người lái Poseidon có khả năng tiêu diệt các cơ sở hạ tầng dọc bờ biển trên phạm vi liên lục địa.
Tổ hợp chiến đấu laser Peresvet
Tổ hợp vũ khí laser Peresvet. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Theo giới chuyên gia, Peresvet được thiết kế để gây nhiễu, làm mù các thiết bị quang điện tử gắn trên xe cơ giới, nhưng cũng có khả năng được phóng lên vũ trụ để vô hiệu hóa vệ tinh trinh sát đối phương.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các tổ hợp chiến đấu laser Peresvet đã được chuyển giao cho quân đội và đang được triển khai tại các nơi đóng quân.
Tên lửa hành trình Burevestnik
Tên lửa hành trình với động cơ hạt nhân Burevestnik. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Sergei Pertsev, chuyên gia hàng đầu của Viện Nghiên cứu Trung ương số 12 của Bộ Quốc phòng Nga, cho biết Nga đang cải tiến tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân Burevestnik và đang chuẩn bị thực hiện các chuyến bay thử nghiệm.
"Tên lửa hành trình Burevestnik bay thấp bám địa hình mang theo đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn không giới hạn, quỹ đạo bay khó lường trước. Nó có khả năng vượt qua các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện có và tương lai" - Bộ Quốc phòng Nga cho hay.
Tên lửa xuyên lục địa Sarmat
Tổ hợp tên lửa Sarmat. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Chủ tịch Ủy ban Quân sự-khoa học của lực lượng tên lửa chiến lược - Đại Tá Artem Vyatkin cho biết, Nga đã hoàn tất các đợt thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat và đang chuẩn bị cho các chuyến bay thử nghiệm.
Theo Zvezda TV, siêu tên lửa RS-28 Sarmat có trọng lượng 100 tấn, mang được cùng lúc 10 đầu đạn hạng nặng hoặc 16 đầu đạn loại nhẹ hơn. Sau khi được phóng đi các đầu đạn này sẽ tự tách ra để phá hủy cùng lúc nhiều mục tiêu.
Với tầm bắn vượt trội lên tới khoảng 10.000 km, RS-28 Sarmat có sức công phá lớn đến mức san bằng được những khu vực lãnh thổ có diện tích tương đương nước Pháp hoặc bang Texas của Mỹ.
Tàu ngầm không người lái Poseidon
Tàu ngầm không người lái Poseidon. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Nga sắp hoàn tất quá trình thử nghiệm tàu ngầm không người lái độc đáo Poseidon có khả năng tiêu diệt hàng không mẫu hạm và các cơ sở hạ tầng dọc bờ biển trên phạm vi liên lục địa. Chương trình thử nghiệm đang được thực hiện trên các thao trường thí nghiệm của Bộ Quốc phòng.
Cựu Phó tổng tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Igor Kasatonov cho biết Poseidon có 3 yếu tố "bất khả chiến bại", được bảo đảm bởi khả năng lặn ở độ sâu lớn, tốc độ cao và đường di chuyển không thể đoán trước.
Ông Kasatonov lưu ý rằng, nhờ đó Hải quân Nga có thể đối phó với các nhóm tàu sân bay và nhóm tàu chiến của đối phương trên đại dương, đủ khả năng tiêu diệt các cơ sở hạ tầng ven biển.
Tên lửa siêu vượt âm Avangard
Tổ hợp tên lửa Avangard. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Quá trình phát triển tổ hợp tên lửa siêu thanh Avangard của Nga đã được hoàn thành. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng trong nước bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa này.
Avangard bay ở độ cao vài chục km trong các tầng khí quyển dày đặc, khác với các loại tên lửa liên lục địa truyền thống bay đến mục tiêu theo quỹ đạo đạn đạo. Tốc độ tối đa mà Avangard có thể đạt được gấp 20 lần tốc độ âm thanh.
Quỹ đạo bay của tên lửa mới này không thể dự đoán được vì nó có khả năng cơ động cao và tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal
Tiêm kích mang tên lửa Kinzhal. Ảnh: Bộ QP Nga/Sputnik |
Phó Tổng tư lệnh Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga (VKS) Sergei Dronov cho biết, kể từ năm 2017, các phi đội của VKS đã thực hiện hơn 350 chuyến bay trên các chiến đấu cơ được trang bị tổ hợp tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.
Ông Dronov lưu ý rằng, trong quá trình tiến hành diễn tập, các vấn đề chuẩn bị, đặt kế hoạch thực hiện và sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không Kinzhal trên máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 đã được nghiên cứu chi tiết.
Kể từ tháng 4/2018, trong khuôn khổ chương trình kiềm chế chiến lược, các máy bay MiG-31 với tổ hợp Kinzhal đã thực hiện nhiệm vụ trực chiến trên vùng biển Caspian.
Tên lửa Kinzhal có thể đạt tốc độ Mach 10, vượt qua được các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện có, mang được đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường đạt tầm bắn 2.000 km.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)