+Aa-
    Zalo

    6 tháng đầu năm, đại gia ngành dược nào bỏ túi 825 tỷ đồng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hiệu quả kinh doanh của Pymepharco tăng lên dưới sự hậu thuẫn của hãng dược phẩm Stada đến từ nước Đức.

    Hiệu quả kinh doanh của Pymepharco tăng lên dưới sự hậu thuẫn của hãng dược phẩm Stada đến từ nước Đức.

    Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét 2017, Pymepharco có vốn điều lệ 502 tỷ đồng. Pymepharco đã tăng vốn điều lệ từ 502 tỷ đồng lên 652 tỷ đồng bằng việc trả cổ tức bằng cổ phiếu trong quý III/2017.

    Lịch sử hình thành

    Pymepharco được thành lập vào năm 1989 với nhiệm vụ sản xuất dược phẩm, kinh doanh thuốc & vật tư thiết bị y tế.

    Ngày 21/9/1993 Công ty được Bộ thương mại cấp phép xuất nhập khẩu trực tiếp chuyên ngành về y dược. Đây là mốc quan trọng làm cơ sở cho việc phát triển kinh doanh và mở rộng quan hệ quốc tế. Công ty hoạt động trong cả nước với hệ thống các chi nhánh, cửa hàng, trung tâm giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh liên kết, liên doanh với các đối tác trong và ngoài nước, mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu. Công ty có quan hệ thương mại với các nhà sản xuất, phân phối dược phẩm có uy tín của nhiều quốc gia trên thế giới.

    Đầu tháng 10/2003, Nhà máy dược phẩm Pymepharco đạt tiêu chuẩn GMP (ASEAN) chính thức đi vào hoạt động với 3 phân xưởng Beta–lactam, Non–Beta lactam, Viên nang mềm, và rồi trở thành nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2005.

    Tháng 5/2006 Công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Pymepharco, việc chuyển đổi hình thức tổ chức doanh nghiệp, đem lại nhiều thuận lợi cho khả năng huy động vốn, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tăng cường hệ thống phân phối cho mục tiêu phát triển bền vững.

    Không dừng lại ở đó, tháng 3/2008 nhà máy sản xuất thuốc tiêm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO bắt đầu đi vào hoạt động với 4 dây chuyền sản xuất: dung dịch tiêm, thuốc bột đông khô, thuốc nhỏ mắt và đặc biệt là thuốc bột pha tiêm dòng kháng sinh Cephalosporin. Đây là nhà máy thuốc tiêm được đánh giá hiện đại bậc nhất của Việt Nam và Đông Nam Á vào thời điểm đó.

    Ngày 14/1/2013, Pymepharco đã được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP Châu Âu cho xưởng kháng sinh Cephalosporin thuốc viên, khẳng định vị trí tiên phong về GMP Châu Âu tại Việt Nam đối với kháng sinh Cephalosporin.

    Năm 2015, Công ty tiếp tục thực hiện tái xét thành công tiêu chuẩn GMP Châu Âu cho sản phẩm kháng sinh Cephalosporin thuốc viên. Qua đó khẳng định sự tiến bộ vượt trội về mặt kỹ thuật và chất lượng của Pymepharco nói riêng và ngành dược Việt Nam nói chung.

    Theo thông tin được công bố trên website chính thức của công ty, hiện tại Công ty có gần 1.300 cán bộ – công nhân viên, trong đó có trên 400 người có trình độ đại học và sau đại học, trên 120 người là dược sĩ đại học và sau đại học cùng một đội ngũ cán bộ chuyên môn sinh, hóa là kỹ sư đáp ứng tốt các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Công ty và đủ năng lực cạnh tranh trong bước đường hội nhập quốc tế.

    Từ 16 sản phẩm đầu tiên, đến nay Pymepharcođã cung ứng cho thị trường hơn 350 sản phẩm, trong đó có những mặt hàng chất lượng vượt trội, có thể thay thế các sản phẩm ngoại nhập. Từ năm 2003 đến nay, bình quân mỗi năm Công ty đều tiến hành nghiên cứu và đưa vào sản xuất gần 30 sản phẩm mới, góp phần đa đạng hoá danh mục sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu điều trị bệnh và chăm sóc sức khoẻ. Sản phẩm của PYMEPHARCO được xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực như Hong Kong, Malaysia, Philippines…và thâm nhập vào thị trường Châu Âu (Đức).

    Pymepharco đã sản xuất được nhiều dạng bào chế, đa dạng nhiều nhóm sản phẩm đáp ứng nhu cầu điều trị, trong đó, đáng kể là dạng bào chế khó như: viên tim mạch phóng thích hoạt chất có kiểm soát, phóng thích hoạt chất kéo dài, dạng thuốc tiêm đông khô… những sản phẩm này được nghiên cứu và hầu hết được đánh giá tương đương sinh học thành công.

    Công ty hiện là đơn vị đầu tiên trong ngành có 5 sản phẩm thuốc tiêm được đánh giá tương đương điều trị là điểm nổi trội về chất lượng thuốc. Các đề tài đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.

    Á quân về lợi nhuận trên sàn HOSE

    Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa có thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Công ty Cổ phần Pymepharco. Đây là lần thứ 2 Công ty này tiến hành nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE.

    Ảnh: Trí thức trẻ.

    Danh sách cổ đông lớn của Pymepharco còn có một cổ đông cá nhân đáng chú ý là ông Trương Viết Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dược phẩm Pha No đồng thời là Thành viên HĐQT Imexpharm cũng đang nắm giữ 13,16% cổ phần.

    Cơ cấu cổ đông của Pymepharco theo báo cáo thường niên năm 2016 là 77% cổ phần được các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ, trong đó cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 49% vốn cổ phần của Pymepharco.

    Về hoạt động kinh doanh, năm 2017, Pymepharco đặt kế hoạch đạt 1.572 tỷ đồng doanh thu thuần và 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tỷ lệ cổ tức 20%.

    Trong 6 tháng đầu năm, Pymepharco đạt 825 tỷ đồng doanh thu thuần, và 185,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 15% và 30% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 30% lên mức 148 tỷ đồng.

    Với kết quả kinh doanh như hiện nay, Pymepharco chỉ xếp sau một mình Dược Hậu Giang (DHG) trên sàn HOSE nếu tính theo chỉ tiêu lợi nhuận.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/6-thang-dau-nam-dai-gia-nganh-duoc-nao-bo-tui-825-ty-dong-a202548.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan