Người dùng nên nắm rõ sự khác biệt giữa hai loại điều hòa để lắp đặt, vận hành mang lại hiệu quả hoạt động và kinh tế tốt nhất.
Cách thức hoạt động
Với điều hòa thường, máy nén (bộ phận chính của thiết bị) hoạt động theo nguyên lý tắt, mở. Khi nhiệt độ phòng đạt tới mốc cài đặt, máy dừng hoạt động. Do sử dụng rơ-le nhiệt nên sau một khoảng thời gian, cảm nhận nhiệt độ phòng tăng lên máy nén sẽ được khởi động trở lại. Việc tắt bật này là nguyên nhân chính gây hao tổn điện năng.
Với điều hòa sử dụng công nghệ Inverter, thiết bị sử dụng công nghệ biến tần, khiến máy nén hoạt động chậm lại chứ không tắt hẳn khi phòng đạt nhiệt độ cài đặt. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà máy cũng khởi động chậm hơn nên khả năng làm lạnh ban đầu không thể nhanh bằng điều hòa thường.
Khả năng ổn định nhiệt độ
Điều hòa Inverter tốt cho sức khỏe hơn với trẻ em, người lớn tuổi... |
Với điều hòa thường, luồng gió lạnh thổi ra rất gắt và dễ gây ra các bệnh hô hấp hay tổn thương cơ thể nếu thổi trực tiếp vào người. Với những gia đình có người già, trẻ em hay phụ nữ mang thai, việc sử dụng điều hòa thường trong phòng đôi khi gây hại nhiều hơn có lợi.
Còn luồng khí lạnh mà điều hòa Inverter thổi ra có cảm giác nhẹ và dễ chịu hơn, bởi cảm biến điện tử giúp nhiệt độ phòng luôn ở mức ổn định và máy nén chạy từ tốn chứ không hết công suất như điều hòa thường. Độ chênh lệch nhiệt độ giữa mức cài đặt và nhiệt độ phòng trên điều hòa Inverter chỉ khoảng 0,1 - 1 độ C, trong khi điều hòa thường có thể từ 2-3 độ C.
Linh kiện và độ tiện dụng
Sử dụng các công nghệ hiện đại, điều hòa Inverter kiểm soát tốt công suất đầu ra của thiết bị dựa trên nguyên tác kiểm soát tần số dao động của dòng điện. Điều này khiến nó hoạt động chính xác với hiệu suất chuyển đổi dòng điện rất cao. Tuy nhiên, nhược điểm của việc này là người dùng thường phải sử dụng đồng bộ cho cả "cục nóng" và "cục lạnh", chứ không thoải mái sử dụng thiết bị của 2 nhà sản xuất khác nhau như với điều hòa thường.
Thêm vào đó, linh kiện của điều hòa Inverter cũng phức tạp và khó bảo quản hơn, đặc biệt càng khó thay thế khi xảy ra hỏng hóc. Trên "cục nóng" của loại điều hòa này cũng có các bản mạch điện tử, khiến nó dễ hỏng hóc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như những ngày nắng nóng như thiêu đốt hoặc những ngày nóng ẩm kéo dài ở Việt Nam. Nếu không được che chắn cẩn thận, nó không khác gì việc người dùng đem một chiếc máy tính ra ngoài phơi mưa nắng.
Cuối cùng, khi cần di chuyển, điều hòa Inverter cũng đòi hỏi sự cẩn thận và quy trình lắp đặt chính xác hơn điều hòa thường.
Tầm quan trọng của công suất
Để phát huy hết ưu điểm, điều hòa Inverter đòi hỏi thiết bị phải luôn được chạy hết công suất cho tới khi đạt tới nhiệt độ cài đặt. Có nghĩa là công suất tối đa của máy phải đáp ứng đủ hoặc thừa so với điều kiện và thể tích của phòng để máy nhanh chóng bước vào chế độ giảm công suất. Nếu người dùng chọn mua thiết bị có công suất thấp hơn thì máy luôn phải chạy "hết tốc lực", khiến ý nghĩa của tính năng Inverter biến mất. Lúc này, lượng điện năng tiêu thụ sẽ tương đương hoặc thậm chí cao hơn cả điều hòa thường, trong khi độ bền lại giảm mạnh.
Ý nghĩa của điện áp
Là dòng thiết bị điều khiển hầu hết bằng các vi mạch điện tử nên điều hòa Inverter đòi hỏi cao về điện áp đầu vào khi sử dụng. Điều kiện ban đầu khi lắp đặt thiết bị là người dùng phải đáp ứng đúng chuẩn điện áp mà nhà sản xuất yêu cầu. Sai số cho phép giới hạn ở mức +/- 5%.
Cách điều khiển
Với điều hòa thường, việc điều khiển máy khá đơn giản với một vài nút điều chỉnh chế độ, hướng gió và hẹn giờ. Tuy nhiên, với điều hòa Inverter, người dùng cần nhiều thời gian hơn để làm quen bởi các tính năng trên thiết bị khá đa dạng và có phần phức tạp hơn.
Một trong số đó là chức năng kiểm soát năng lượng, đặc trưng riêng của dòng điều hòa công nghệ Inverter. Theo đó, người dùng có thể thay đổi để giảm nguồn điện ở đầu vào so với nguồn điện định mức. Tuy nhiên, tính năng này khả dụng ở chế độ làm mát và công suất của máy có thể giảm khi sử dụng
(Theo VnExpress)