Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của bộ LĐ-TB&XH cho nữ từ 55 tuổi lên 60 tuổi, nam từ 60 tuổi lên 62 tuổi đã tạo ra nhiều làn sóng dư luận trái chiều. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh tuổi thọ bình quân của Việt Nam tăng lên, việc nghỉ hưu 55, 60 tuổi như hiện tại lãng phí về mặt trí tuệ, kinh nghiệm của người nghỉ hưu.
Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng, trong đó đề xuất 2 phương án về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động nhận được sự quan tâm.
2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu đó là:
Phương án 1: Kể từ ngày 01/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2: Kể từ ngày 01/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Tuy nhiên, với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lần này, nhiều ý kiến cho rằng không nên tăng, vì thực tế cho thấy ở độ tuổi từ 50 tuổi trở lên thì cách làm việc đã ì ạch, không nhanh nhẹn, kéo theo đó hiệu quả công việc không cao. Nhưng, bên cạnh đó không ít người lại ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Trước đề xuất đang gây tranh cãi này, để rộng đường dư luận và để có cái nhìn khách quan, đa chiều phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ của chuyên gia kinh tế, ĐBQH.
Nghe audio: Tăng tuổi nghỉ hưu lên 60-62 tuổi: Nên hay không?
[presscloud]9615[/presscloud]
Lao động phải đảm bảo tính thị trường
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc tăng độ tuổi nghỉ hưu là cần thiết.
Lý giải lý do cần thiết, TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Tuổi thọ bình quân của Việt Nam đã tăng lên, hiện nay tuổi thọ bình quân của nước ta ở khoảng 76 tuổi. Thêm nữa, hiện nay việc nghỉ hưu 55, 60 tuổi là có sự lãng phí nhất định về mặt trí tuệ, kinh nghiệm của lực lượng lao động phải nghỉ hưu. Vấn đề thứ ba, nghỉ hưu sớm sẽ tăng một phần trách nhiệm xã hội, có nghĩa liên quan đến lương hưu. Nên, nếu như nghỉ hưu sớm thì về lâu về dài hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ có rủi ro, trong bối cảnh quỹ bảo hiểm không tăng tương ứng”.
TS. Cấn Văn Lực bày tỏ ý kiến của mình. |
Trước ý kiến cho rằng, không nên ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu, TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Vấn đề ở đây là người sử dụng lao động, nói như vậy không có nghĩa là đốt cháy giai đoạn mà cần tăng độ tuổi nghỉ hưu từ từ, mỗi năm cộng thêm vài tháng… Như vậy, sau 3, 4 năm nữa thì tuổi nghỉ hưu mới thực sự ở 60, 62 tuổi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không được nghỉ hưu sớm, ai có nhu cầu vẫn nghỉ bình thường. Rõ ràng, tuổi thọ bình quân tăng có nghĩa sức lao động, khả năng đóng góp của con người tăng lên. Còn ai có độ ì, không làm được thì có thể nghỉ hưu trước tuổi”.
TS Cấn Văn Lực cũng đề xuất: “Nếu nhất trí đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, thì thị trường lao động phải đảm bảo tính thị trường hơn. Có nghĩa là có vào có ra, có sa thải, có sàng lọc chứ không phải nghiễm nhiên đến tuổi nghỉ hưu rồi mới phải nghỉ. Như vậy, cơ chế về tiền lương, đánh giá cán bộ cũng phải thay đổi. Thậm chí, phải hướng đến bỏ khái niệm ngồi tại một vị trí, một cơ quan đến lúc nghỉ hưu, mà thay vào đó là có vào có ra, có tuyển thêm thì đó mới là cơ chế thị trường”.
Xem xét lại độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ
Cũng liên quan đến vấn đề nêu trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ sự trăn trở: “Hiện nay, có hai luồng ý kiến vẫn còn mâu thuẫn với nhau, ban soạn thảo đưa ra cũng có những ý kiến hợp lý, nhưng khi đưa ra xã hội, đội ngũ phản biện xã hội cũng có lý. Theo tôi, hiện nay tuổi thọ trung bình của Việt Nam cũng khá cao, đây là điều rất tốt. Nên, sắp tới đây người lao động Việt Nam và người lao động thế giới cũng cần có sự hội nhập. Tuy nhiên, tuỳ theo tình hình thực tế mỗi quốc gia mà sắp xếp làm sao để nghỉ hưu phù hợp với thực tiễn”.
ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng độ tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 lên 60 tuổi là quá cao. |
Theo ĐBQH Phạm Văn Hoà, nền kinh tế xã hội tại Việt Nam cũng đã có những bước phát triển, nên việc tăng độ tuổi nghỉ hưu theo dự thảo của bộ LĐ-TB&XH theo lộ trình là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu Hoà vẫn còn băn khoăn.
ĐBQH Phạm Văn Hoà nêu: “Nam từ 60 lên 62 tuổi là chuyện bình thường, nhưng nữ từ 55 lên 60 là quá cao. Tôi nghĩ rằng nữ khoảng 58 tuổi cho nghỉ hưu là được. Hiện nay, đội ngũ tri thức cũng có lao động tay nghề cao còn sức khoẻ phục vụ nhà nước đó là yêu cầu rất tốt. Tuy nhiên, đại bộ phận lao động chủ yếu là công nhân làm việc độc hại, lao động bằng chân tay… Thì tôi cho rằng bộ phận này cần phải được nghỉ hưu sớm, chứ thêm tuổi thì họ không còn sức, khả năng để làm thêm nữa. Thêm một lĩnh vực cần phải được nghỉ hưu sớm đó là những cô giáo tiểu học, mầm non. Vì thế, tăng tuổi nghỉ hưu trên tuổi 60 đối với những lĩnh vực mà tôi vừa nêu là không nên, mà chỉ nên giải quyết cho những trường hợp trong lĩnh vực khoa học, tri thức, có sức khoẻ… thì sẽ hợp lý hơn”.
Từ những phân tích trên, ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh: “Cần phải có bàn thảo, thảo luận thật kỹ, thật khách quan đưa ra nhiều phương án tối ưu để phù hợp. Lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt lấy ý kiến trong giới trí thức, hoạt động có tay nghề cao, công nhân lao động… Còn việc đưa ra lý do quỹ lương bảo hiểm xã hội sắp tới sẽ thiếu và hụt hẫng để tăng tuổi nghỉ hưu thì tôi cho rằng không hợp lý. Cần cân nhắc thật kỹ tăng tuổi nghỉ hưu ở đối tượng nào thì như vậy mới phù hợp”.
Thanh Lam
Người Đưa Tin