+Aa-
    Zalo

    5.200 cơ sở chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong số 13.000 cơ sở y tế trên cả nước, hiện có khoảng 40% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế chưa đạt chuẩn.

    Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong số 13.000 cơ sở y tế trên cả nước, hiện có khoảng 40% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế chưa đạt chuẩn.

    Theo báo An ninh thủ đô, ngày 30/3, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo góp ý vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các bệnh viện công lập.

    Theo dự thảo Quyết định này, các bệnh viện công lập trên cả nước sẽ được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế, bảo đảm yêu cầu nước thải đầu ra sau xử lý phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Kinh phí chi trả thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.

    Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cho biết, trong số 13.000 cơ sở y tế của cả nước hiện mới có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, 40% còn lại vẫn chưa đạt. Đáng chú ý là cả bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh đều chưa đạt mục tiêu đề ra.

    Như vậy, hàng ngày hàng giờ vẫn còn lượng nước thải y tế rất lớn từ các bệnh viện chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải ra ngoài môi trường. Đây là vấn đề hết sức cấp bách.

    Theo bà Hương, kinh phí đầu tư xử lý nước thải y tế của các bệnh viện hiện nay chủ yếu từ ngân sách nhà nước, quy mô đầu tư dưới 20 tỷ đồng. Ngoài tình trạng đa số bệnh viện thiếu kinh phí để đầu tư (400 bệnh viện có nhu cầu đầu tư) thì tồn tại nữa là nhiều bệnh viện đã được đầu tư nhưng thiếu năng lực quản lý vận hành (không có cán bộ chuyên môn, nhân viên phụ trách không ổn định, nhiều hệ thống hỏng học không được bảo hành bảo trì kịp thời)... dẫn đến chất lượng xử lý nước thải y tế chưa cao.

    Cùng đưa tin về sự kiện này, báo Lao động cho hay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Đầu tư kinh phí cho xử lý chất thải y tế rất lớn nhưng nguồn lực đầu tư cho công tác này chưa được như mong muốn, còn khiêm tốn. Ý thức, trách nhiệm, đặc biệt những tồn tại trong quá trình vận hành như tiết kiệm, hạn chế đầu tư, kiểm soát không chặt chẽ từ thủ trưởng các bệnh viện, coi việc này như việc phụ và chưa quan tâm đúng mức. Chưa huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác này”.

    (Ảnh minh họa)

    “Riêng chất thải lỏng hiện rất ít cơ sở y tế huy động được nguồn lực, thuê dịch vụ tham gia xử lý chất thải lỏng. Với mục tiêu đảm bảo tất cả chất thải lỏng bệnh viện khi xả thải ra ngoài đều phải được qua xử lý, Bộ Y tế xây dựng dự thảo Quyết định này, trên nguyên tắc huy động nguồn lực vào quản lý và xử lý chất thải y tế. Bộ Y tế đã xin ý kiến các bộ ngành về dự thảo,  hội thảo được tổ chức để xin ý kiến lần cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ”- Thứ trưởng Long chia sẻ.

    Theo các chuyên gia y tế, nước thải bệnh viện là sự lan truyền rất mạnh các vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt nguy hiểm là nước thải từ những bệnh viện chuyên các bệnh truyền nhiễm. Những nguồn nước thải bệnh viện này là một trong những nhân tố cơ bản có khả năng lan truyền vào nước thải những tác nhân truyền nhiễm qua đường tiêu hóa và làm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt nguy hiểm khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước, qua các loại rau được tưới bằng nước thải.

    Mục tiêu đến năm 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu về môi trường. Muốn vậy, Bộ Y tế cho rằng, cần cơ chế đặc thù về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế bởi thực hiện theo nghị định 15 hiện nay thì đa số cơ sở y tế không thể thực hiện được.

    Hiện Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ban hành cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế và xây dựng nội dung dự thảo Quyết đinh, dự thảo Tờ trình Quyết định. Theo dự thảo Quyết định này, các bệnh viện công lập trên cả nước sẽ được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế theo nhiều hình thức (phân theo 3 nhóm bệnh viện) bảo đảm yêu cầu về chất lượng dịch vụ, nước thải đầu ra sau xử lý phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

    Kinh phí chi trả thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế tại các bệnh viện công tự chủ sẽ do bệnh viện tự chi trả và được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Với các bệnh viện chưa tự chủ được sẽ do ngân sách và nguồn kinh phí khác chi trả. Hoạt động thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế sẽ chịu sự giám sát, theo dõi, kiểm tra, đánh giá định kỳ của cơ quan quản lý chuyên ngành về bảo vệ môi trường y tế và các cơ quan liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, UBND các tỉnh/ thành phố.

    Tổng hợp
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/5200-co-so-chua-co-he-thong-xu-ly-nuoc-thai-y-te-dam-bao-a185847.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan