+Aa-
    Zalo

    500.000 người hào hứng với đề xuất cho phép phẫu thuật chuyển giới ở VN

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo nghiên cứu của viện Sức khỏe môi trường y tế (bộ Y tế), cả nước hiện có gần 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có.

    (ĐSPL) - Theo nghiên cứu của viện Sức khỏe môi trường y tế (bộ Y tế), cả nước hiện có gần 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có, tức là giới tính nam nhưng trong suy nghĩ của họ là nữ và ngược lại.

    Khoảng 500-1.000 người đã ra nước ngoài để chuyển giới. Những con số này cho thấy nhu cầu chuyển giới ở nước ta khá lớn, trong khi việc chuyển giới vẫn chưa được pháp luật thừa nhận. Vì lẽ đó, những con người “hồn Trương Ba, da hàng thịt” vẫn phải sống với những kịch tính đầy bi hài.

    Tâm sự của người trong cuộc

    Cách đây 2 năm, người viết tiếp xúc với My My khi thực hiện bài viết về cô giáo chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm. My My (một cái tên Quỳnh Trâm tự đặt cho mình) năm đó là học sinh lớp 12. Hàng ngày, em vẫn đi học và đi biểu diễn thời trang để kiếm một khoản bỏ túi.

    Câu lạc bộ của em gồm những người chuyển giới từ nam sang nữ, là nhóm “người mẫu” chuyển đổi giới tính đầu tiên tại Hà Nội dám công khai. Các bạn có cùng sở thích thời trang, chuyên trình diễn thời trang ở các quán café và các chương trình biểu diễn truyền thông. Số tiền kiếm được, tất nhiên, em để dành để có thể phẫu thuật chuyển giới.

    Câu lạc bộ người mẫu nơi My My sinh hoạt.

    Chia sẻ với tôi, em nói: “Em đang học lớp 12, đã xin cô giáo, nhà trường cho nuôi tóc dài và mặc đồ nữ đến lớp. Nếu nhìn sẽ không ai biết em là con trai. Nhưng em lo lắng khi đi thi đại học, chứng minh thư mang giới tính nam  thì em có được vào phòng thi không?

    Em vô cùng mong muốn được chuyển giới, vì hiện tại em cũng đang trong quá trình tiêm hoóc môn để sau một thời gian nữa sẽ chuyển giới. Nhưng em và các bạn chuyển giới khác chưa biết phải liên hệ với ai hay cơ quan nào để được đồng ý và công nhận chuyển giới. Nếu được công nhận chuyển giới, chúng em sẽ được đi làm việc mà không sợ bị kỳ thị và được điều trị đúng cách mà không phải giấu giếm ai cả”.

    Trao đổi với Trung Anh, thành viên điều hành mạng lưới chuyển giới tại miền Bắc và miền Trung, đồng thời là trưởng nhóm người mẫu nơi My My đang sinh hoạt, người viết nhận thấy mong muốn được xã hội thừa nhận là giấc mơ chung của những người thuộc giới tính thứ 3.

    Trung Anh chia sẻ: “Bản thân tôi và các thành viên trong nhóm RUBY (nhóm những người chuyển giới và chuyển đổi giới tính đầu tiên tại Hà Nội) là những người mong muốn hơn ai hết về việc được công nhận giới tính thứ 3 và công nhận chuyển giới. Điều đầu tiên tôi nhận thấy rõ nhất là những người chuyển giới sẽ được sống thật với chính mình, được làm việc, lao động, cống hiến như mọi người.

    Điều thứ hai, theo tôi việc công nhận chuyển giới sẽ giúp những người chuyển giới được tiếp nhận các dịch vụ y tế, pháp luật, văn hóa một cách đầy đủ  mà không phải lo lắng và suy nghĩ về vấn đề kỳ thị.  Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cấp cao cần nhìn vấn đề rộng hơn, trao quyền bình đẳng cho những người giới tính thứ 3 và người chuyển giới”.

    Mặc dù việc công nhận người chuyển giới vẫn còn là một dự thảo thì cuộc sống của những người thuộc giới tính thứ 3 vẫn diễn ra theo quy luật riêng của nó. Họ tự tiêm hoóc môn, người nào có khả năng tài chính thì sang Thái Lan làm phẫu thuật. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự liều lĩnh vượt rào là vô cùng lớn nhưng có lẽ, họ thừa hiểu và chấp nhận.

    Giúp người chuyển giới... đổi đời

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL về vấn đề này, ông Lê Quang Bình – Viện trưởng viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) bình luận: “Khoản 4, Điều 40 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đưa ra hai phương án liên quan đến chuyển giới.

    Xem thêm video: Cô gái Nam Định không nhận ra mình sau phẫu thuật thẩm mỹ.

    Phương án 1 “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới”; Phương án 2 “Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật”.  Phương án 1 có nghĩa Nhà nước không cấm nhưng cũng không thừa nhận việc chuyển giới. Nếu so với Nghị định 88/2008/NĐ-CP hiện nay đang cấm việc chuyển đổi giới tính, thì phương án 1 tuy có “lửng lơ” nhưng đã cởi mở hơn.

    “Khát vọng được là chính mình”

    “Chị phẫu thuật hết cả trên lẫn dưới. Bộ phận ở dưới nó giống y chang luôn em ạ... Sau khi phẫu thuật thì chị thấy cuộc sống hạnh phúc hơn, tự tin hơn. Đau đớn thì đương nhiên là có rồi, lúc làm thì đau lắm... Bản thân chị là người trong cuộc nhưng chị cũng luôn tự hỏi không biết là mơ hay thật nữa. Mình biết mình là ai mà bây giờ mình như thế này, mình cũng không thể nào tưởng tượng nó là như thế. Thực sự ông bác sỹ ấy chị tôn thờ giống như mẹ chị vậy, giống như đẻ ra chị lần thứ hai...

    Chị tiếc là chị không đi làm sớm hơn, chị nghĩ là tại sao mình không đi làm khi mình còn trẻ. Lúc chị đi làm, chị hơn 30 tuổi rồi, chị biết như thế thì đi làm từ lúc chị hai mươi mấy hoặc ba mươi rồi”, người chuyển giới từ nam sang nữ, 42 tuổi, Hà Nội, chia sẻ trong nghiên cứu về người chuyển giới ở Việt Nam, do viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) khởi xướng.

    Mặc dù vậy, nếu Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới thì các vấn đề mà người chuyển giới ở Việt Nam đang gặp phải sẽ không được giải quyết. Họ sẽ tiếp tục không thể tiến hành việc chuyển giới ở Việt Nam, không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên quan đến việc chuyển giới, và không được thay đổi họ tên, giới tính trên giấy tờ tùy thân, gây khó khăn cho các giao dịch dân sự của họ”.

    Nêu ý kiến về phương án 2, ông Bình cho rằng phương án này có mở hơn nhưng thế nào thì được coi là “trường hợp đặc biệt” cần được làm rõ. Liệu một người sức khỏe bình thường, cơ thể có giới tính hoàn thiện nhưng khát khao được chuyển đổi giới tính thì có được coi là trường hợp đặc biệt không? Nếu không, thì dù cho phép việc chuyển giới trong các trường hợp đặc biệt thì đa số người chuyển giới cũng không thể tiến hành việc này.

    Theo chuyên gia này, nhu cầu chuyển giới của cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam là có thật. Dựa trên một số nghiên cứu của iSEE, do Việt Nam đang cấm việc chuyển giới nên nhiều người đã phải qua Thái Lan để tiến hành phẫu thuật. Việc này không những rất tốn kém,  mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của người chuyển giới.

    Nhiều người sau khi phẫu thuật, chưa kịp hồi phục đã phải về Việt Nam vì không có tiền nằm lâu ở Thái Lan. Sau đó, nếu biến chứng thì lại phải qua Thái Lan, nếu không có tiền thì hậu quả lại càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, do các cơ sở y tế ở Việt Nam không cung cấp dịch vụ tư vấn về việc chuyển giới, nên đa số người chuyển giới tự sử dụng hoóc môn, tiêm silicon dẫn đến những biến chứng khôn lường, thậm chí mất mạng do sốc thuốc.

    “Nếu tiếp tục không được thừa nhận, họ sẽ còn gặp nhiều khó khăn, định kiến kỳ thị, khó có công ăn việc làm, thậm chí mắc vào tệ nạn xã hội và phạm tội. Nhiều người cho rằng nếu cho phép chuyển giới thì họ sẽ tổn thọ. Đúng là trên thế giới nhiều nghiên cứu cho thấy tuổi thọ trung bình của người chuyển giới thấp hơn, nhưng nguyên nhân không phải do phẫu thuật, mà do việc chăm sóc sức khỏe tiền phẫu và hậu phẫu không tốt, tỉ lệ tự tử cao, hoặc việc sử dụng hoóc môn không đúng quy định”, ông Bình nói.                                                        

    Có bao nhiêu nước công nhận chuyển giới?

    Theo Cẩm nang pháp lý tập hợp những câu hỏi, tình huống pháp luật thường gặp nhất liên quan tới người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam thì hầu hết các nước xem quyền đổi tên là quyền không bị giới hạn và chỉ một số ít nước quy định công khai trong luật là cấm phẫu thuật chuyển giới (chủ yếu các nước châu Phi và Hồi giáo). Nhiều nước không quy định gì, nghĩa là không cấm việc phẫu thuật chuyển giới.

    Hầu hết các nước châu Âu đều công nhận giới tính mới sau khi phẫu thuật. Ở các nước còn lại mặc dù không cấm phẫu thuật, nhưng lại không thừa nhận giới tính mới sau khi phẫu thuật. Tức là người chuyển giới chỉ có thể đổi tên, còn giới tính vẫn là giới tính cũ. Một số nước tại châu Á cũng đã thừa nhận tính hợp pháp của những công dân chuyển đổi giới tính (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nepal...). Một số nước còn hỗ trợ tài chính, chi trả cho người thực hiện phẫu thuật như: Brazil, Canada, Cuba, Anh, Phần Lan, Iran...

    XUÂN HOÀNG

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/500000-nguoi-hao-hung-voi-de-xuat-cho-phep-phau-thuat-chuyen-gioi-o-vn-a91894.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan