+Aa-
    Zalo

    500.000 đồng cho đĩa trứng xào cà chua: Điểm tối trong công tác quản lý?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ những nhu cầu vui xuân được tăng cao dịp Tết về, việc “chặt chém” khách hàng đang dần trở thành một "văn hóa xấu xí" cần loại bỏ ngay.

    Tết đến xuân về nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân tăng cao, đây là dịp nhiều dịch vụ "hốt bạc", thu lợi nhuận. Cũng từ những nhu cầu vui xuân ấy, việc “chặt chém” khách hàng đang dần trở thành một "văn hóa xấu xí" cần loại bỏ ngay.

    Đắng lòng khi bị “chặt chém”

    Mới đây, một du khách đi du lịch tại Nha Trang trong những ngày Tết với tấm hóa đơn ăn uống giá “cắt cổ” được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Cụ thể, khi đi ăn trong một nhà hàng tại Nha Trang, du khách này đã bị “chặt chém” mỗi món ăn với mức giá cao ngất ngưởng, đặc biệt khi một phần trứng xào cà chua có giá lên tới 500.000 đồng.

    Hóa đơn thanh toán tại một nhà hàng ở Nha Trang được du khách chia sẻ gây hoang mang.

    Câu chuyện của vị du khách này vốn dĩ không phải là hi hữu và ở nhiều nơi đặc biệt là các khu du lịch, vui chơi thì việc “chặt chém” những ngày đầu năm đã như "chuyện bình thường nơi phố huyện". Vào ngày Tết, hàng loạt các địa điểm vui chơi, hàng loạt các dịch vụ như: Ăn uống, gửi xe, rửa xe… đều tăng giá, thậm chí là chặt chém khách hàng với mức giá không thương tiếc. Điều này đang dần trở thành một "văn hoá xấu" cần loại bỏ trong những ngày đầu năm.

    Chia sẻ với PV, chị Lan Anh (du khách có chuyến đi du xuân cùng gia đình dịp đầu năm) bày tỏ: “Không biết với các gia đình khác thế nào, còn với gia đình tôi thì Tết đến là dịp để cả nhà cùng đi du lịch, du xuân. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi cho phép cả nhà thoải mái chi tiêu, cái gì cũng phải trong khuôn khổ. Bên cạnh đó, đi đâu tôi cũng phải hỏi giá trước để tránh bị “chặt chém” ngày Tết”.

    Từng bị “chặt chém” một lần trong dịp Tết, anh Phạm Hoài (Hà Nội) coi đây là bài học nhớ đời: “Tôi cùng vợ và hai con nhỏ có đi du lịch dịp Tết vào cách đây 3 năm trước. Khi vào một quán ăn, do không hỏi giá trước nên đã bị thổi phồng giá bữa cơm bình thường lên đến cả 2 triệu đồng. Trong đó, món ăn cũng không có gì ngoài đĩa thịt gà, đĩa rau luộc và vài miếng hoa quả. Ăn xong, rút ví ra trả tiền mà vợ chồng tôi tức anh ách. Nên là, giờ đi đâu, ăn gì tôi cũng phải hỏi giá xong mới ăn cho chắc”.

    Không ít người từng rơi vào tình trạng này (Ảnh minh họa).

    "Văn hoá xấu" cần được loại bỏ

    Tết Nguyên đán là dịp nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Để người dân có một cái Tết đầy đủ, vui vẻ, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ giá cả các mặt hàng Tết, không tăng giá, bình ổn giá trước trong và sau dịp Tết, đồng thời cũng đã có những quy định về việc xử lý những đơn vị vi phạm, chặt chém khách hàng để người dân có thể sắm sửa, vui xuân mới.

    Tuy nhiên, mặc cho quy định nhiều nơi, các hộ kinh doanh vẫn ngang nhiên tăng giá, đội giá dịch vụ lên gấp 5 thậm chí là gấp 10 lần ngày thường, khiến du khách không khỏi hoang mang, làm xấu xí hình ảnh du lịch, văn hoá Việt Nam những ngày đầu xuân.

    Liên quan đến câu chuyện “chặt chém” dịp Tết, PGS.TS. Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển) cho biết: "Tình trạng “chặt chém” ngày Tết đang trở thành một "văn hoá xấu" trong dịp Tết, việc tăng giá này xuất phát từ nhiều lý do như: Người bán lợi dụng tâm lý vui xuân, hào phóng đầu năm của khách hàng để thu lời, họ cho rằng việc phục vụ ngày Tết là người phục vụ phải hy sinh kỳ nghỉ của mình nên mức giá đương nhiên phải cao hơn".

    "Việc phụ thu thêm phí dịch vụ cho người lao động trong ngày Tết là chấp nhận được. Tuy nhiên, việc nhiều đơn vị đang “chặt chém” quá mức thực chất đang vi phạm quy định và đạo đức kinh doanh, khiến cho khách hàng và người tiêu dùng vô cùng nhức nhối. Đã có quy định về việc cấm chặt chém, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn từ những năm này sang năm khác đòi hỏi phải có một cơ chế xử lý chặt chẽ hơn từ các cấp chính quyền", PGS.TS. Lê Quý Đức cho biết thêm.

    Nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, để xảy ra tình trạng "chặt chém" cho thấy đây vẫn là một điểm tối trong quản lý.

    Cũng trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An chia sẻ: "Để chuẩn bị cho người dân đón Tết, các cấp chính quyền và bộ ban ngành đã có rất nhiều phương án cũng như chỉ đạo nhiều mặt từ giao thông, y tế, môi trường, an ninh trật tự đến cả kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề “chặt chém” dịp Tết vẫn là một điểm tối trong quản lý mà chúng ta chưa thể dự báo được hết và quản lý nó một cách hiệu quả nhất.

    Có rất nhiều thông tư, quy định về việc xử lý những đơn vị “chặt chém” khách hàng trong dịp Tết. Nhưng, tình trạng này vẫn liên tục tiếp diễn cho thấy các quy định này chưa thực sự có hiệu quả. Điều này, đòi hỏi cần có sự bổ sung, điều chỉnh và tư duy xử lý nhanh nhạy, tầm nhìn của những nhà quản lý cũng như các cấp chính quyền.

    Đồng thời, đòi hỏi sự xử lý nghiêm ngặt hơn cả về hành chính cũng như hình sự nếu cần thiết, để răn đe cũng như loại bỏ tình trạng này giúp người dân có một cái Tết vui vẻ thực sự, không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch và văn hoá Việt Nam".

    Nhóm PV

    Theo Người Đưa Tin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/500000-dong-cho-dia-trung-xao-ca-chua-diem-toi-trong-cong-tac-quan-ly-a262566.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan