+Aa-
    Zalo

    5 sự kiện chính trị quốc tế nổi bật trong năm 2018

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mỹ và 2 đồng minh tấn công Syria, hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Singapore đều nằm trong danh sách những sự kiện chính trị nổi bật nhất năm 2018.

    Mỹ và 2 đồng minh tấn công Syria, hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Singapore đều nằm trong danh sách những sự kiện chính trị nổi bật nhất năm 2018.

    Trong năm 2018, thế giới đã chứng kiến những sự kiện chính trị vô cùng ngoạn mục, đánh dấu một thời kỳ mới cũng như sự chuyển dịch trọng tâm lãnh đạo toàn cầu. Cùng điểm lại những sự kiện đầy kinh ngạc này để dự đoán những gì sẽ xảy ra trong năm 2019.

    Mỹ, Anh, Pháp đồng loạt tấn công Syria

    [presscloud]2096[/presscloud]

    4h ngày 14/4 (giờ Syria), cuộc không kích của quân đội Mỹ nhắm vào Damascus và Homs của Syria bắt đầu với sự tham gia của máy bay và tàu phóng tên lửa, tổng số là hơn 100 quả tên lửa Tomahawk. Việc Mỹ can thiệp vào nội chiến Syria là một dấu hiệu tiêu cực cho tình hình căng thẳng tại đây.

    Chỉ ít giờ sau, Bộ Quốc phòng Anh cho biết 4 chiếc máy bay RAF Tornado đã xuất kích từ Cộng hòa Síp và phóng các tên lửa Storm Shadow xuống một căn cứ tên lửa cũ ở Syria. Pháp cho biết các máy bay chiến đấu Mirage, Rafale cùng 4 tàu chiến tham gia vào chiến dịch tấn công này.

    Quyết định của Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron thậm chí đã gây bất ngờ cho chính những người dân tại 2 quốc gia này. Trên trang Twitter chính thức của lực lượng Không quân Pháp, nhiều người đã để lại bình luận phẫn nộ trước việc chính quyền nước này tham chiến.

    Tổng thống Trump tuyên bố mục tiêu của vụ không kích là phá hủy căn cứ nghiên cứu vũ khí hóa học của Syria.

    Vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Sprikal

    Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal - Ảnh: BBC

    Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ở Salisbury, Anh ngày 4/3 đã gây ra xung đột ngoại giao tồi tệ nhất giữa Nga và châu Âu trong nhiều năm qua. Vương quốc Anh cáo buộc chính phủ Nga sử dụng chất độc thần kinh Novichok để đầu độc hai cha con Skripal.

    Trong khi Moscow phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng Anh có động cơ để dàn dựng vụ việc, Bộ Ngoại giao Anh thậm chí đã kêu gọi các quốc gia châu Âu và Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao và công dân Nga. Washington đã ngay lập tức đáp ứng lời kêu gọi này bằng cách trục xuất 60 công dân Nga về nước.

    Nhiều chuyên gia cho rằng sự kiện này chính là “giọt nước làm tràn ly” cho mối quan hệ vốn không mấy êm đềm giữa Nga và châu Âu, đồng thời giúp mối quan hệ giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thêm khăng khít.

    Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

    [presscloud]2293[/presscloud]

    Ngày 12/6 tại khu khách sạn cao cấp Capella, Singapore, hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra trong sự mong đợi của nhiều chính trị gia và sự theo dõi sát sao của giới truyền thông.

    Sau nhiều trục trặc, các phát biểu trái ngược từ các nhân vật quan trọng của chính quyền hai bên, hội nghị thượng đỉnh này đã đánh dấu một thời kỳ mới cho Triều Tiên, bước đầu giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân cũng như hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

    Ông Kim Jong-un là nhà lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử quốc gia này quyết định thực hiện nhiều chuyến thăm ngoại giao với mong muốn phát triển kinh tế quốc gia. Nhiều người cho rằng ông Kim xứng đáng nhận được giải Nobel Hòa bình của năm 2018 cho những nỗ lực hòa hợp dân tộc với Hàn Quốc và từ bỏ chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân.

    “Vành đai và con đường”

    Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong năm 2018 thực sự đã là tín hiệu cảnh báo tới vị thế bá chủ của Mỹ trong hàng thế kỷ qua cũng như dần xoay trục trọng tâm thế giới về phương Đông.

    Chiến dịch “Vành đai và Con đường” nhằm tái dựng con đường tơ lụa cổ đại thành một hệ thống cung ứng, vận chuyển hàng hóa xuyên lục địa của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thay đổi diện mạo khu vực.

    Hàng nghìn tỷ USD được rót cho các dự án cầu cảng, đường sắt, đường bộ và hệ thống hạ tầng ở nhiều quốc gia không chỉ khiến phương Tây phải lo ngại mà còn khiến giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang sử dụng những món viện trợ khổng lồ để củng cố quyền lực của mình.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: CNN

    Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

    Ngày 6/7/2018 được xem là thời điểm “khai hỏa” của cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc khi Washington bắt đầu áp mức thuế 25% với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Ngay sau đó, Mỹ công bố kế hoạch đánh thuế tiếp theo nhằm vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD khác từ Trung Quốc với 284 mặt hàng.

    Đáp trả, Trung Quốc đánh thuế 25% với 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với trị giá 34 tỷ USD. Trọng tâm trong đợt đánh thuế đáp trả của Trung Quốc là các sản phẩm nông nghiệp, ô tô và thủy sản.

    Ngày 10/7, Mỹ tiếp tục đưa 6.000 mặt hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc, trị giá 200 tỷ USD, vào diện xem xét đánh thuế 10%. Ngày 2/8, ông Trump chỉ đạo xem xét đánh thuế 25% số hàng hóa này thay vì 10% như dự định trước đó.

    Cuộc chiến giữa 2 “ông lớn” đã khiến cả thế giới lao đao và những thiệt hại là không thể thống kê. Sau cuộc đàm phán nhanh chóng bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina, nhiều chuyên gia đang hi vọng vào những tín hiệu tích cực hơn về an ninh kinh tế toàn cầu bởi một cuộc chiến kéo dài chỉ khiến cả 2 phía tổn thất nhiều hơn.

    Thu Phương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/5-su-kien-chinh-tri-quoc-te-noi-bat-trong-nam-2018-a256723.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan