(ĐS&PL) Bạn có đang trong quá trình tìm kiếm một công việc mới và mong đợi đạt được mức lương ổn thỏa? Đàm phán lương được xem là cuộc “cân não” giữa ứng viên và nhà tuyển dụng. Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareeLink khuyên bạn nên “thẳng thắn một cách khéo léo” với 5 cách đàm phán lương hiệu quả ở công ty mới sau đây.
Tham khảo các việc làm hấp dẫn tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-tai/ho-chi-minh/HCM
Nắm rõ mức lương mặt bằng chung của vị trí đang tuyển dụng
Trước khi ứng tuyển bạn nên tìm hiểu và nắm rõ lương mặt bằng chung vị trí đang ứng tuyển ở một số công ty khác và cả công ty hiện tại, có thể thông qua đồng nghiệp, hoặc những người làm nhân sự quen biết.
Đa số các công ty đều đã có ấn định một mức lương nhất định cho vị trí mà họ tuyển dụng. Nắm rõ được điều này sẽ giúp bạn tiên lượng được mức lương mà nhà tuyển dụng sẵn sàng trả cho bạn để có cách điều chỉnh sao cho hợp lý nhất.
Đừng nói về mức lương ngay khi mới bắt đầu buổi phỏng vấn
Thay vì đề cập đến vấn đề tiền lương, bạn nên tìm cách thể hiện năng lực bản thân và khả năng cống hiến, những lợi ích sẽ mang lại cho doanh nghiệp. Hãy để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là ứng viên mà họ đang tìm kiếm. Khi đã định vị được giá trị của bản thân rồi thì việc đàm phán lương dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuyệt đối không nói về mức lương ngay khi chỉ mới bắt đầu buổi phỏng vấn, khi mà nhà tuyển dụng và ứng viên chưa trao đổi cụ thể về công việc và một số điều kiện liên quan, cũng như chưa hiểu về giá trị của nhau.
Ngoài ra, một lý do nữa đó là nóng vội đề cập đến lương thưởng làm nhà tuyển dụng có ấn tượng xấu ngay tức khắc vì cho rằng bạn chọn công việc này vì lý do duy nhất là tiền lương – điều mà hầu hết các nhà tuyển dụng tối kị.
Để nhà tuyển dụng chủ động đề cập đến mức lương trước
Thông thường, gần cuối buổi phỏng vấn, người tuyển dụng sẽ hỏi ứng viên các câu hỏi đại loại như bạn mong muốn nhận mức lương bao nhiêu? Họ hiển nhiên sẽ đề cập đến vấn đề này vì đây cũng là điều họ đặc biệt quan tâm. Do đó, tốt nhất không nên chủ động hỏi về mức lương mà để người tuyển dụng tự đề cập. Việc của bạn là tìm cách thể hiện tốt bản thân, tạo thiện cảm và thương lượng thật khéo léo sau khi họ đề nghị mức lương.
Thận trọng khi nói về mức lương cũ
Khi được hỏi về mức lương ở công ty cũ, bạn tuyệt đối nên thận trọng vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đàm phán lương ở công ty mới.
Có thể vì lý do nào đó mức lương công việc cũ khá thấp, hoặc bây giờ bạn đã ở vào một đẳng cấp khác, xứng đáng với mức lương cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, đa số nhà tuyển dụng có xu hướng áp dụng mức lương cũ hoặc có thể nhích hơn một tí cho ứng viên. Do đó, nói thật mức lương cũ sẽ trở thành rào cản và điểm yếu làm bạn khó đạt được thỏa thuận lương như mong đợi.
Ngoài ra, lưu ý không nên tiết lộ một con số cụ thể mà tìm cách trả lời khéo léo như tập trung bàn về lượng công việc, năng lực cống hiến và giá trị mang lại như thế nào để xứng đáng được nhận mức lương như kỳ vọng ở công ty mới.
Suy nghĩ trước khi chấp nhận mức lương đề nghị
Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi chấp nhận mức lương mà nhà tuyển dụng đưa ra nếu quá thấp so với giá trị bản thân, so với mặt bằng chung hoặc không được như mong đợi. Vì lâu dài mức lương có vị trí quan trọng ảnh hưởng đến các chế độ phúc lợi. Chưa kể, sau một thời gian, bạn cảm thấy không vừa lòng và chán nản với mức lương và các điều kiện mình đã chấp nhận trước đó nên muốn nghỉ việc. Nếu không thỏa mãn với mức lương, tốt nhất bạn nên thương lượng lại với nhà tuyển dụng.
Trong cuộc phỏng vấn, đàm phán lương được xem là một trong những vấn đề mấu chốt quyết định chấp nhận hay từ chối của cả hai phía. Ứng viên phải có các kỹ năng và biết cách nắm bắt tâm lý nhà tuyển dụng, phải thể hiện được giá trị mà mình sẽ mang lại để xứng đáng với mức lương đó ra sao. Khi định vị được giá trị ứng viên thì việc các nhà tuyển dụng sẵn sàng đồng ý một mức lương xứng đáng vói sức lao động của bạn là điều hoàn toàn có thể.
Đặng Hảo