UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp xăng dầu do kinh doanh xăng kém chất lượng.
Ảnh minh họa (Internet) |
Dân trí đưa tin, ngày 4/2, tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn.
Theo đó, 5 doanh nghiệp xăng dầu tư nhân gồm: Đức Hạnh, Lê Khải, Phúc Đức, Tân Trí (cùng có trụ sở tại huyện Di Linh) và doanh nghiệp Phương Nam Lâm Đồng (trụ sở tại TP Bảo Lộc) bị xử phạt với tổng số tiền gần 1,4 tỉ đồng vì đã thực hiện hành vi mua, bán xăng có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Thanh niên cho biết thêm, ngoài bị xử phạt hành chính, các doanh nghiệp này còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đến ngày 25/2.
Điều 16. Vi phạm về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường theo Quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu Số: 104/2011/NĐ-CP 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi đưa xăng dầu vào lưu thông có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Doanh nghiệp sản xuất xăng dầu có hành vi đưa xăng dầu vào lưu thông khi đưa được chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không bảo đảm chất lượng theo Tiêu chuẩn công bố áp dụng; b) Doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có hành vi đưa xăng dầu vào lưu thông có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng; c) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xăng dầu có hành vi làm thay đổi chất lượng xăng dầu hoặc gian lận về chất lượng xăng dầu trong quá trình thực hiện dịch vụ. 3. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu. nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 1, điểm a và b khoản 2 Điều này; b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 1, điểm a và b khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hoặc vi phạm trong thời gian thực hiện bình ổn giá. 4. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc đình chỉ lưu thông đối với xăng dầu chưa được chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không đảm bảo chất lượng đối với vi phạm quy định tại Điều này; b) Buộc thu hồi toàn bộ lượng xăng dầu chưa được chứng nhận phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không đảm bảo chất lượng đang lưu thông trên thị trường đối với vi phạm quy định tại Điều này; c) Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế xăng dầu có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với vi phạm quy định tại Điều này; d) Buộc tái xuất hoặc tiêu hủy xăng dầu có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng trong trường hợp không thực hiện được biện pháp quy định tại điểm c khoản 4 Điều này hoặc gây hại cho sức khỏe, an toàn, môi trường. |
(Tổng hợp)