Tính đến 17h ngày 29/7, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xác định có 24 trận động đất xảy ra trong ngày và có 21 trận động đất ngày 28/7.
Trong ngày 29/7, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản khẩn đến các sở, ngành liên quan, UBND huyện Kon Plông yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất và rà soát, xây dựng phương án ứng phó động đất; đảm bảo kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi xảy ra động đất.
Nhắc về trận động đất mạnh vừa qua, anh A Đông (ngụ thôn Vi Ring) cho biết trên báo Pháp luật TP.HCM: “Lúc động đất xảy ra, nhà cửa nó rung lắc như mình bị say rượu. Thấy sợ quá, mình chạy ra trước cửa nhà. Đêm hôm ngủ cũng hơi lo”.
Theo người dân ở đây, trận động đất không gây thiệt hại gì nhiều, một số nhà xây có bị nứt tường nhà. Tâm lý chung của người dân không hoảng loạn như trước đây.
Ngụ ở xã Đăk Tăng gần 12 năm, ông Nguyễn Văn Lại (67 tuổi, chủ cửa hàng tạp hóa ở thôn Vi Ring 2) đã chứng kiến rất nhiều trận động đất, nhưng trận động đất trưa 28/7 là mạnh nhất.
Trước đây, vùng này không có động đất, sau khi thủy điện ở đây tích nước thì hay xảy ra động đất.
“Động đất bình thường thì bà con nơi đây không lo, chỉ sợ càng về sau động đất ngày một lớn thôi. Người dân mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp để đảm bảo an toàn cho dân”, ông Lại nói.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, dự báo động đất kích thích tại Kon Plông (do ảnh hưởng của việc xây dựng các công trình thủy điện) kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm. Như vậy, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ Richter. Sau đó, lòng đất sẽ ổn định, không còn hoạt động sinh chấn trong lòng đất, thì sẽ không xảy ra động đất.
Vì thế, trước hết, UBND các xã, thị trấn vùng tâm chấn cần tuyên truyền để nâng cao kỹ năng phòng, chống động đất cho người dân. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tiến hành đánh giá thiệt hại, rà soát các công trình yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng từ động đất và đưa ra giải pháp bảo đảm an toàn.
Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Cơ quan chức năng cần cập nhật thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm, khu dân cư…