(ĐSPL) - Với mưu đồ xâm chiếm trái phép Biển Đông trong 40 năm qua, Trung Quốc sẽ không đạt được mục đích của mình dù có dùng sức mạnh quân sự.
Theo tin tức từ Tạp chí National Interest, những hành động gây hấn và xâm chiếm gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông không phải là những hành xử tùy hứng, nhiều thập niên qua, sự việc làm này đã diễn ra dai dẳng.
Tháng Giêng năm 1974Trung Quốc đã đổ quân, bắn phá các hòn đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa (nhóm Nguyệt Thiềm) vốn dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng Hòa. Mặc dầu sự phản kháng mãnh liệt từ phía Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc với tiềm lực hải quân và súng đạn cuối cùng cũng đã hoàn toàn chiếm quần đảo chiến lược này và biến nó thành một sự đã rồi cho đến nay.
Tàu chiến của Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa Việt Nam tháng 1/1974. Ảnh: tư liệu
Vào năm 1995, Trung Quốc còn chiếm tiếp bãi Đá Vành Khăn, nằm trong cụm Bình Nguyên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng đã bị Philippines kiểm soát trái phép trước đây. Kể từ đó, Bắc Kinh bắt đầu quá trình xây dựng và sửa chữa các công trình nằm trên những hòn đảo đã xâm chiếm trái phép. Tới tháng 4/2012, Trung Quốc đã chủ động tấn công lực lượng bảo vệ biển Philippines tại khu vực bãi cạn Scarborough.
Mưu đồ của Trung Quốc là sau khi tấn công bãi cạn Scarborough, quân đội nước này sẽ tiến tới bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Philippines đã chiếm đóng trái phép trước đó. Tới tháng 3/2014, các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc còn ngăn không cho các tàu tiếp viện của Philippines tiếp cận và cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các lính thủy đánh bộ của Philippines đóng quân trên xác tàu BRP Sierra Madre mắc cạn tại bãi Cỏ Mây.
Sáng 1/5/2014, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 từ đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa tiến sâu vào thềm lục địa Việt Nam. Giàn khoan được hạ đặt sâu trong vùng 200 hải lý thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.
Hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; vi phạm Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982; trực tiếp đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trong khu vực.
Hải Dương 981 là một trong 10 giàn khoan nổi lớn nhất thế giới, với diện tích tương đương sân bóng tiêu chuẩn, cao bằng tòa nhà 40 tầng, có khả năng khoan, khai thác dầu ở độ sâu 12.000 m, do Trung Quốc xây dựng với giá trị 1 tỷ USD.
Kể từ khi hạ đặt giàn khoan, Trung Quốc luôn huy động hơn 100 tàu các loại tới khu vực này gồm tàu hải cảnh, tàu vận tải, tàu kéo và tàu cá, cùng các chiến hạm như tàu tên lửa tấn công, tàu săn ngầm và tàu tuần tiễu tấn công nhanh.
Việt Nam đã huy động lực lượng chấp pháp gồm cảnh sát biển và kiểm ngư áp sát Hải Dương 981, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vị trí thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đáp lại, Trung Quốc liên tục gia tăng các loại tàu bảo vệ giàn khoan đồng thời mở rộng vùng cấm hoạt động tại khu vực này từ 3 lên 10 hải lý. Với sự yểm trợ của một số máy bay, các tàu Bắc Kinh hung hãn đe dọa, đâm va, phun vòi rồng, gây hư hỏng nặng cho các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Sau 2 tháng, Trung Quốc đã cho kéo Hải Dương-981 về đảo Hải Nam.
Và kể từ cuối năm 2014, Trung Quốc đã tăng tốc triển khai bồi đắp và xây dựng tại 8 khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong đó, hoạt động nạo vét bùn của Trung Quốc tại bãi Đá Chữ Thập, khu vực từng nằm dưới mặt nước biển, thực sự đáng lo ngại. Điển hình, Bắc Kinh đã cho đổ cát lên trên nhằm biến đảo chìm thành đảo nổi và cho xây dựng một đường băng dài 3.000 m.
Mục đích của Trung Quốc là biến bãi Đá Chữ Thập trở thành một sân bay phục vụ hoạt động quân sự tại quần đảo Trường Sa. Trong tương lai, với sự phối hợp hành động của cả lực lượng không quân và bảo vệ bờ biển, Trung Quốc có thể đe dọa lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông của Việt Nam và Philippines.
Hành động đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực của Trung Quốc không những vi phạm nghiêm trọng nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế mà còn là những hành vi trái ngược với vị thế của Trung quốc trên trường quốc tế.Nhưng chính quyền Trung Quốc không chịu tỉnh ngộ mà tiếp tục ngang ngược khi cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam cùng với sự hộ tống của đội tàu vũ trang đông đảo.
Nhưng dường như, tiến thêm 1 bước, Trung Quốc đang “giương đông, kích tây” khi hạ đặt giàn khoan trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã cấp tập tiến hành xây dựng nhưng căn cứ tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa - nơi mà Trung Quốc cũng dùng vũ lực để tấn công chiếm đoạt vào ngày 14/3/1988 từ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, hòng thâu tóm Trường Sa và Biển Đông.
Trung Quốc từng ngăn không cho Philippine cung cấp nhu yếu phẩm cho các binh sĩ đóng quân trên chiếc tàu đổ bộ BRP Sierra Madre bị mắc cạn tại bãi Cỏ Mây.
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, trong một thế giới văn minh, những hành động trái ngược với pháp lý và đạo lý mà Trung Quốc đã thực hiện trong thời gian qua sẽ không thể có chỗ đứng trong lòng dư luận và cộng đồng quốc tế.
Sau giàn khoan 981 gây phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, mới đây truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt đưa tin Trung Quốc sẽ đưa thêm một giàn khoan bán ngầm nước sâu mang tên Hưng Vượng xuống Biển Đông.
Nhưng theo Tạp chí National Interest nhấn mạnh, nguy hiểm hơn, bằng sự hiện diện tăng cường tại quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh hy vọng sẽ giành thế áp đặt các biện pháp giải quyết tranh chấp hàng hải với các nước trong khối ASEAN có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Và dần dần buộc các nước này công nhận Trung Quốc có chủ quyền tại vùng biển chiến lược này. Thậm chí, Bắc Kinh còn nắm trí là quốc gia thiết lập các mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp và mang lại lợi nhuận đầu tư thương mại trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua sự ra đời của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mới đây.
Tuy nhiên, dù Trung Quốc có gây sức ép lớn tới các nước ASEAN, Bắc Kinh cũng không thể đạt được mục đích cuối cùng. Bởi hành động phi lý của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới, muốn hỗ trợ các nước trong khu vực kiềm chế Bắc Kinh. Điển hình, hiện nay, cả Việt Nam và Philippines đều đang nhận được sự ủng hộ từ Mỹ.
MAI NGUYÊN (Tổng hợp)
Xem thêm video: Hải quân Việt Nam 60 năm hành trình giữ biển
[mecloud] jJGcB0piHe[/mecloud]
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/40-nam-trung-quoc-xam-chiem-bien-dong-am-muu-se-that-bai-a93707.html