(ĐSPL) - Không chịu nổi cảnh lao động khổ sai, bốn lao động "nhí" ở khu vực khai thác vàng bãi Muối đã tìm cách thoát thân trong đêm tối.
Sau gần bốn ngày đêm dắt díu nhau băng rừng, lội suối, những tưởng các em đã thoát khỏi "địa ngục trần gian" và ngày trở về quê hương không còn xa. Nhưng một lần nữa các ông chủ bãi vàng vẫn chưa chịu buông tha các em.
100 giờ trốn chạy khỏi "địa ngục trần gian"
Dù chỉ vừa tròn 15 tuổi nhưng Cụt Văn May, Cụt Văn Tuột, Cụt Buôn Hương và Seo Văn Viềng (cùng trú huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) trông già hơn tuổi thực rất nhiều: Gương mặt hốc hác, nước da đen nhẻm, cặp mắt thất thần và thân hình gầy rạc lúc nào cũng rúm ró, e dè với người đối diện. Được sự giới thiệu và động viên của anh S. (trú tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam), người đang cưu mang những phu vàng "nhí" này, các em mới tỏ ra bớt sợ sệt và bắt đầu kể lại chặng đường thoát khỏi bãi vàng với PV.
Em Cụt Văn May, 15 tuổi, trú tại bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn cho biết: "Em vào làm ở bãi Muối (thuộc địa phận thôn 4, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) từ tháng 3/2014. Cùng lên xe đi với em đợt đó có tất cả 15 người. Trong đó, đứa nhỏ nhất chỉ mới 13 tuổi. Vì bị dụ dỗ rằng làm ở đó có thu nhập cao nên em mới bỏ quê vào đây làm. Không ngờ...".
Khi vào đến trụ sở của công ty TNHH Phước Minh (thị trấn Khâm Đức), 15 người được chở bằng ô tô đi xuống các bãi vàng khác nhau. Riêng bốn em Cụt Văn May, Cụt Văn Tuột, Cụt Buôn Hương và Seo Văn Viềng được chở về Bãi Muối. ở đây, các em bị bắt lao động 12 tiếng mỗi ngày. Thậm chí, khi đau ốm các em vẫn phải có mặt ở hầm vàng, nếu không sẽ bị chủ dùng roi điện đánh. Đến cả những sinh hoạt tối thiểu hằng ngày như tắm rửa, giặt giũ cũng không được đáp ứng. Cơm ăn không no, áo quần, dầu gội, kem đánh răng cũng không có. Không chịu nổi cuộc sống khổ sai, các em bàn nhau chạy trốn.
|
Các em Cụt Văn May (bìa trái) và Seo Văn Viềng (giữa) cùng anh S., người từng làm việc tại công ty TNHH Phước Minh. |
Seo Văn Viềng (trú bản Thao Đi, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn) nhớ lại: "2h sáng 18/5, nhân lúc chủ không để ý, bốn đứa tụi em nhằm hướng thị trấn mà chạy thật nhanh. Vì sợ chạy đường lớn dễ bị phát hiện nên chúng em phải đi đường rừng. Mệt chẳng dám nghỉ, đói chẳng dám dừng lại kiếm ăn vì sợ bị người của công ty Phước Minh đuổi kịp. Đến khi đuối sức quá, chúng em vào rẫy sắn của người dân đào củ ăn rồi lại chạy tiếp. Chiều ngày 22, chúng em mới đến được thị trấn Khâm Đức và lúc này cả bốn đứa đều kiệt sức".
May mắn thay, ngay lúc ấy, anh S. (trú tại thị trấn Khâm Đức) đang làm rẫy gần đó, thấy bốn thiếu niên đang lả đi vì đói, anh đi mua bánh mì và nước cho các em ăn. Sau khi biết rõ hoàn cảnh của các em, anh S. thương tình nên đưa các em về nhà ở chung với mình.
Khát khao đoàn tụ với gia đình
Trò chuyện với PV, trên gương mặt già trước tuổi của các em vẫn không giấu được vẻ hoang mang, lo lắng. Hơn nữa, vì đều là người dân tộc Khơ Mú nên cả bốn em đều không nói thạo tiếng Kinh. Ngập ngừng hồi lâu, em Cụt Văn May mới chịu mở lời tiếp: "Ở quê em nghèo lắm, ba mẹ làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn thiếu ăn. Anh chị em trong nhà đều phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình, ai thuê gì làm đó, nhưng cũng chẳng kiếm được là bao".
"Vào đầu tháng 3/2014, có một người đàn ông lạ mặt đến nhà em và nói với em rằng ở bãi vàng Phước Sơn trong Quảng Nam đang "tuyển" công nhân khai thác vàng sa khoáng, việc làm không nặng nhọc nhưng lương cao lắm. ông ta còn dụ dỗ em nếu cố gắng làm chừng 2 - 3 năm là có thể kiếm một khoản tiền kha khá về phụ giúp gia đình. Vì em cũng mong mình đỡ đần được cho ba mẹ nên đồng ý đi ngay mà chẳng suy nghĩ gì thêm. Trong chuyến xe đò vào Quảng Nam lần đó với em có ba bạn này nữa", May kể thêm.
Với giọng nói đứt quãng, Seo Văn Viềng hướng đôi mắt thất thần về phía chúng tôi: "Ở bãi vàng có gần 600 lao động, gồm cả nam và nữ. Trong đó, có rất nhiều bạn bằng độ tuổi bọn em, thậm chí là nhỏ hơn cũng có. Ngày nào chúng em cũng phải làm việc từ sáng sớm đến tối mịt trong hầm tối. Đau ốm chủ cũng không cho nghỉ. Không làm nổi thì họ chửi bới, đánh đập. Nhiều đêm, cả bốn đứa ngồi ôm nhau khóc, nhớ nhà. Nhìn những đứa trốn "trại" về nhà bị chủ bắt lại, bị đánh cho ho ra máu, chúng em cũng sợ lắm. Nhưng nghĩ ở lại đây cũng không sống nổi nên chúng em quyết định rủ nhau bỏ trốn".
Đến tận lúc này, cả bốn em vẫn chưa tin là mình đã thoát khỏi "nanh vuốt" của các chủ bãi vàng. Anh S. trải lòng: "Tôi cũng từng làm việc trên bãi vàng nên tôi hiểu những cơ cực mà các em đã trải qua. Các em không có người thân bên cạnh lại còn quá nhỏ nên tôi cũng như bà con ở đây thương các em lắm. Chỉ mong các em sớm được trở về đoàn tụ với gia đình". Hằng ngày, các em không dám bước chân ra đường, thấy bóng người lạ là lẩn trốn.
Riêng hai em Cụt Văn Tuột và Cụt Buôn Hương có đi làm thuê cho một người dân trong vùng. Rơm rớm nước mắt, Cụt Văn Tuột cho biết: “Bọn em cũng sợ ra ngoài đi làm rồi không may bị bắt về bãi vàng, nhưng sau khi được những người dân ở đây động viên và giới thiệu để làm rẫy thuê cho một gia đình ở thị trấn, chúng em mới yên tâm. Mong muốn lớn nhất của chúng em bây giờ là có tiền để trở về quê nhà”.
|
Các lán trại tạm bợ nằm cheo leo trên triền núi là nơi ở của các phu vàng. |
Buộc phải trở lại... "ổ quỷ"
Những tưởng ngày trở về quê hương sẽ không còn xa đối với các phu vàng "nhí", thế nhưng một lần nữa "nanh vuốt" của các ông chủ bãi vàng vẫn không chịu buông tha. Công ty Phước Minh cho "tay chân" đi lùng sục khắp thị trấn Khâm Đức. Mặc dù được người dân thị trấn che chở, nhưng thông tin về bốn phu vàng bỏ trốn hiện đang "ẩn náu" tại nhà anh S. cuối cùng cũng bị lộ.
Tối ngày 5/6 vừa qua, mặc cho sự phản đối của hàng chục người dân địa phương, công ty TNHH Phước Minh vẫn ngang nhiên sai "nhân viên" đến bắt người về trụ sở. Anh N. ở thị trấn Khâm Đức lắc đầu, thở dài kể: "Ở đây, việc phu vàng bỏ trốn là chuyện như cơm bữa. Tuy nhiên trường hợp bỏ trốn thành công thì ít thấy lắm. Thường thì họ chỉ trốn được năm bữa, nửa tháng rồi lại bị bắt trở lại đó. Một khi trở về bãi, họ sẽ bị cai bãi hành hạ, hoặc bẻ ngón tay, ngón chân hoặc đánh cho ho ra máu".
Quá phẫn nộ trước hành động này của công ty Phước Minh, 20h30 cùng ngày, rất đông người dân địa phương đã kéo đến trụ sở công ty. Tuy nhiên, khi đến nơi, bốn phu vàng "nhí" đã "nằm gọn" trên chiếc ô tô BKS 43LD-03077. Xung quanh có đến chục thanh niên mang theo hung khí, mặt mày vô cùng bặm trợn "hộ tống". Chiếc xe rồ ga, rồi dần mất dạng trong đêm tối trước sự bất lực của những người dân thị trấn Khâm Đức. "Không biết, khi trở về cái động quỷ đó các em có còn được lành lặn hay không, liệu rằng ai sẽ cứu các em một lần nữa?", một người dân Phước Sơn ngao ngán thở dài...
Hết phép vẫn khai thác Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực khai thác vàng, khu vực khai thác vàng bãi Muối của công ty TNHH Phước Minh được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác theo Quyết định số 1792/QĐ-UBNDngày 26/5/2009, đến tháng 5/2013 bãi này hết phép khai thác. Thế nhưng, công ty này vẫn tiếp tục khai thác và chế độ lao động hà khắc vẫn được tiếp tục duy trì. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/4-phu-vang-nhi-va-100-gio-tron-chay-khoi-dia-nguc-tran-gian-a36443.html