Rau cần là một trong những loại rau thông dụng vào mùa lạnh ở Việt Nam, gồm 2 loại là cần cạn trồng ở ruộng và cần nước trồng ở các ao nông. Rau cần nước thường có cây cao, thân trắng trong khi cần cạn cây màu tía và ngắn hơn.
Về thành phần hóa học, rau cần chứa tinh dầu, acid hữu cơ, caroten, vitamin P, C, đạm, đường, canxi, photpho, sắt... Nghiên cứu dược lý cho thấy, loại rau này có tác dụng giảm ho, chống viêm, long đờm, kháng nấm, hạ huyết áp, giảm đường và mỡ máu.
Theo y học cổ truyền, rau cần có vị ngọt, tính mát, tác dụng bình can, thanh nhiệt, trừ phong lợi thấp, nhuận phế, ngưng ho, sáng mắt, giảm áp suất máu… Tất cả các bộ phận của rau đều có tác dụng chữa bệnh.
Với đặc tính cung cấp nhiều chất xơ, rau cần giúp loại trừ các chất thải có độc trong hệ tiêu hóa. Đặc biệt, hương thơm của rau kích thích và lưu thông các tuyến mồ hôi, giảm huyết áp. Tuy rau cần có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng 4 nhóm người này được khuyến cáo không nên ăn.
Người mắc bệnh da liễu
Các chuyên gia khuyên người có tiền sử mắc các bệnh về da liễu như vảy nến, dị ứng, tỳ vị hư, ngứa ngáy không nên ăn nhiều rau cần. Arachidon trong rau cần là một dạng chất xúc tác gây ra phản ứng viêm tấy khiến các bệnh về da liễu lâu khỏi hơn.
Người bụng dạ yếu
Là một trong những loại rau trồng dưới nước, rau cần dễ bị nhiễm ấu trùng giun, sán. Trong trường hợp được trồng trong môi trường ô nhiễm, rau có thể bị nhiễm chất độ hại. Người bụng dạ yếu ăn vào có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa.
Người bị huyết áp thấp
Trong Đông y, rau cần có tính thanh nhiệt, mát, có tác dụng hạ huyết áp. Vì vậy, những người bị huyết áp thấp lưu ý không ăn rau cần để tránh khiến bệnh thêm trầm trọng hơn.
Phụ nữ đang thời kỳ kinh nguyệt
Trong thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ cần giữ cho máu trong cơ thể ở trạng thái nóng ấm. Trong khi đó, rau cần có tính hàn, ăn vào sẽ bị kích thích và thay đổi về nhiệt độ, dẫn đến máu lưu thông không tốt, gây hiện tượng đau bụng kinh.
Đinh Kim(T/h)