Từng là trào lưu hot nhất nửa cuối năm 2016 rồi nhanh chóng lụi tàn, mì cay 7 cấp độ khiến không ít nhà đầu tư lỗ nặng vì lỡ bỏ tiền tỷ mở hệ thống.
Du nhập vào Việt Nam vào năm 2016, 7 cấp độ ngay lập tức trở thành cơn sốt trong giới trẻ nhờ công thức lạ vào thời điểm đó: món ăn mới + thử thách. Hàng loạt quán mì với những thương hiệu ăn theo kiểu Hàn Quốc nhanh chóng mọc lên, như Sasin, Naga, Seoul... ở mọi ngóc ngách Hà Nội, đặc biệt chiếm cứ những điểm bán gần trường đại học và khu vui chơi lớn.
Nhưng không tồn tại được nhiều mùa như trà sữa hay pho-mai que, mì cay 7 cấp độ thoái trào quá nhanh khiến không ít nhà đầu tư lỗ nặng vì lỡ bỏ tiền mở hệ thống lớn. Chất lượng không tương xứng, món ăn thiếu đặc trưng... là những điểm yếu chí mạng của trào lưu này.
Mỳ cay từng là trào lưu hot nhất nửa cuối năm 2016. |
Chất lượng không tương xứng
Một bát mì cay thông thường gồm mì, nước dùng, đồ ăn đi kèm, có giá bán từ 39.000 đồng đến 79.000 đồng. Loại cao nhất thường được biết đến với tên mì kim chi tôm càng.
"Chất lượng mì cay không tương xứng với số tiền bỏ ra. Nước dùng phần lớn rất nhạt nhẽo, được cửa hàng dùng vị cay át đi. Rất nhiều người sau khi dùng mì cay xong cho rằng nó giống như một gói mì ăn liền trị giá 20.000 đồng của Hàn Quốc, chỉ khác biệt ở bột ớt và kim chi đi kèm", một khách hàng cho hay.
Khách dùng bữa sẽ phải chi trả tiền cho các yêu cầu khác dùng kèm món chính, như khăn lạnh, nước uống. Dù loại mì nổi tiếng cay cần có thêm nước uống để giúp khách có thể dùng bữa, nhưng các nhà hàng thường không phục vụ miễn phí.
Nhóm khách hàng giới hạn và món ăn thiếu đặc trưng
Vốn là món ăn của Hàn Quốc, mì cay từng được kỳ vọng sẽ giống như nhiều thực phẩm khác của Hàn trước đây như tokbokki, kimpap, trà sữa... tồn tại được lâu dài trong danh sách ẩm thực của giới trẻ Việt. Thế nhưng, thực tế là rất ít khách hàng quay lại lần thứ hai sau khi thử món mì này.
"Khách đến ăn chủ yếu là để thử khả năng ăn cay của bản thân, hay để thách thức bạn bè, ăn theo trảo lưu. Vì đây không phải món đặc trưng, có thể tìm thấy ở bất cứ nhà hàng Hàn Quốc nào, nên rất ít người quay lại lần thứ hai.
Món ăn này cũng chỉ thu hút khách hàng Việt, không có khách là người ngoại quốc, hay người Hàn, vì người Hàn không ăn cay đến cấp 7, họ chỉ ăn một lượng nhỏ trong một số món truyền thống.
Điều đó cũng có nghĩa, dù bên ngoài những quán mì cay trông rất giống phong cách Hàn Quốc, nhưng nó lại không mang đặc trưng văn hóa của bất cứ quốc gia nào", nhân viên tại một quán mì đã đóng cửa trên đường Nguyễn Văn Cừ chia sẻ.
Sự lặp lại của các chuỗi
Kể từ khi mới manh nha về Việt Nam đến tận những ngày gần cuối của trào lưu, mì cay 7 cấp độ chứng kiến các chuỗi cửa hàng không ngừng mọc lên. Ngay cả khi thời kỳ đỉnh cao của món mì này đã qua đi, rất nhiều người vẫn đổ tiền vào đầu tư, bởi thực tế 3 tháng tồn tại là điều không ai tin được với một món ăn lạ du nhập vào Việt Nam.
"Lúc đó tôi nghĩ trào lưu đang chậm dần lại, chứ không thể chết. Nó chắc phải còn tồn tại ít nhất 9-10 tháng nữa", quản lý của một quán mì cay trên đường Nguyễn Chí Thanh cho hay.
Theo anh này, món ăn không đặc trưng lẽ ra có thể khiến các cửa hàng dễ xoay xở hơn trong việc làm đa dạng thực đơn. "Nhưng mùi vị cay của món mì đã giết chết dự định đó. Bạn ăn gì thì cũng chẳng thể cảm nhận được rõ ràng, tất cả mọi thứ còn đọng lại trong vị giác khách hàng là ớt cay và nước lọc".
Điều này tạo nên một điểm trừ lớn cho trào lưu mì cay: sự lặp lại nhàm chán của tất cả các chuỗi. Và đó là lý do khiến khách hàng chỉ đến một lần, hầu như không quay lại.
Những scandal, cảnh báo bên lề
"Ăn cay không có lợi cho sức khỏe", đó hiển nhiên là cảnh báo đầu tiên của những người quan tâm tới sức khỏe thực phẩm khi nói về món ăn này. Nhưng kiểu cảnh báo này không mới, thậm chí đã xảy ra quá thường xuyên với các mô hình thức ăn nhanh, ví như "ăn thức ăn nhanh gây béo phì", "uống nhiều trà sữa gây tiểu đường".
Vậy điểm khác biệt là gì? Đó là hậu quả của cảnh báo đến khi nào. Với các món thức ăn nhanh khác, hay trà sữa, hậu quả rất lâu dài, nhưng cũng đến rất trễ. Độ trễ về thời gian khiến người ta gần như châm trước và bỏ qua nó trong quá trình thưởng thức. Còn cảnh báo về món ăn cay đến ngay sau khi khách hàng nếm thử.
"Đây là món chỉ dành cho một số ít người, không phù hợp với văn hóa ẩm thực Việt Nam. Người Việt không ăn cay như các nước ở khí hậu hàn đới, họ thích các món ăn thanh mát, có vị chua nhẹ. Ngoài ra, thời điểm mì cay trở thành trào lưu rơi vào năm Hà Nội có mùa đông nóng nhất trong lịch sử, trời không lạnh cũng khiến khách hàng bớt thích ăn cay", anh Nguyễn Viết Hà, từng là chủ một quán mì cay lớn tại khu vực Nhổn cho biết.