Theo ý kiến từ các luật sư, vụ nữ sinh lớp 9 bị dâm ô tập thể ở Thái Bình cần làm rõ 3 yếu tố gồm có hay không sự tự nguyện của nạn nhân, đe dọa trong quá trình thực hiện tội ác và mức bồi thường cho bị hại để có thể xác định chính xác tội danh và khung hình phạt dành cho các bị can.
Liên quan tới vụ một nữ sinh lớp 9 tại tỉnh Thái Bình bị dâm ô tập thể, ngày 11/9, Công an thành phố Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phạm Như Hiển (SN 1974, ở phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) và Phạm Đức Việt (SN 1974, ở khu đô thị Petro Thăng Long, phường Quang Trung, TP Thái Bình) về các tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Đến ngày 04/10/2018, Cơ quan CSĐT tiếp tục khởi tố, bắt Phạm Văn Lam ((SN 1972, nơi cư trú số nhà 12, ngõ 16, đường Trần Khánh Dư, tổ 22, phường Tiền Phong, TP.Thái Bình) và Từ Minh Tuyên (SN 1971, trú tại số nhà 1/482, đường Trần Hưng Đạo, tổ 10, phường Trần Hưng Đạo, TP.Thái Bình) cùng về tội danh trên.
Song, điều mà dư luận quan tâm ờ vụ việc này là nhóm bị can đã coi thường pháp luật, dùng quyền lực và vị thế của bản thân để xâm hại trẻ em một cách có tổ chức sẽ nhận tội danh và mức án như thế nào.
Khách sạn nơi xảy ra vụ nữ sinh bị dâm ô tập thể. Ảnh: Soha |
Bàn luận về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) chia sẻ với Tri thức trực tuyến rằng vụ án còn tồn tại khá nhiều điểm bất thường mà cơ quan chức năng cần phải làm rõ như cháu bé có tự nguyện hay không; trong quá trình thực hiện tội ác nạn nhân có bị đe dọa... Đặc biệt, việc bồi thường cho bị hại có giúp các đối tượng này thoát tội.
Theo luật sư Anh, thứ nhất, việc công an tỉnh Thái Bình tiến hành khởi tố 4 bị can cho thấy cơ quan điều tra đã có căn cứ để điều tra dấu hiệu của các tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Nội dung vụ án cho thấy bé gái mới 14 tuổi ở trong căn phòng cùng những người đàn ông trên. Ở đây, cần xem xét đến yếu tố có hay không việc cháu bé tự nguyện? Bởi ranh giới giữa tội Hiếp dâm trẻ em và tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi hay tội Giao cấu nói trên, chỉ khác nhau ở ý chí tự nguyện của bị hại.
Song, với trường hợp của nữ sinh lớp 9 là nạn nhân vụ án, khó có thể tin rằng cháu bé đã tự nguyện ở cùng phòng với 4 người đàn ông lớn tuổi hơn mình trong suốt khoảng thời gian kéo dài ngày này qua ngày khác.
Ngoài ra, đối với một người có tâm lý bình thường, không bị mất năng lực hành vi hoặc mất khả năng nhận thức, rất khó để người đó đồng ý tự nguyện giao cấu với 3 người và có hành vi dâm ô với một người đàn ông khác, trong cùng một thời điểm.
Đối tượng Phạm Như Hiển (tức Kiểm), người tham gia dâm ô tập thể nữ sinh lớp 9. Ảnh: Người Đưa Tin |
Thứ hai, nếu chứng minh được các bị can đã có hành vi áp bức về tinh thần, vật chất hoặc dùng thủ đoạn khác (như cho trẻ dùng chất kích thích, lấy lý do phụ thuộc nào đó như cha mẹ, người nuôi dưỡng,…) gây áp lực để ép nạn nhân giao cấu hay dâm ô, thì đã có dấu hiệu của tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Trường hợp dùng lời lẽ đe dọa làm cho nạn nhân sợ và tin rằng điều đe dọa sẽ xảy ra, buộc nạn nhân phải đồng ý thì có dấu hiệu tội Hiếp dâm trẻ em.
Nếu nhóm bị can phạm các tội Cưỡng dâm hay Hiếp dâm trẻ em, có tình tiết tăng nặng là nhiều người cùng thực hiện hành vi, thì họ đối diện khung hình phạt cao nhất là án tử hình, theo Bộ luật hình sự 2015. Trong khi đó, mức án của tội Giao cấu hoặc Dâm ô chỉ từ 1-5 năm. Do đó, Công an tỉnh Thái Bình cần làm rõ tình tiết nạn nhân có bị nhóm người xâm hại đe dọa?
Thứ ba là về việc bồi thường cho bị hại có giúp các đối tượng trên được thoát hay giảm nhẹ tội, luật sư Anh cho rằng, đối với vụ án xảy ra tại TP Thái Bình, hậu quả để lại vô cùng lớn. Xét về nguyên nhân, có thể thấy rằng 4 bị can dù có địa vị, có điều kiện về kinh tế nhưng hành xử phi đạo đức, sống buông thả bản thân dẫn đến coi thường pháp luật.
Theo luật định, việc bồi thường cho người bị hại trong các vụ án hình sự do các bên tự thỏa thuận với nhau, các cơ quan tố tụng không giải quyết.
Bồi thường cho bị hại thể hiện sự ăn năn của người phạm tội, mong muốn được khắc phục hậu quả do họ gây ra. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân có quyền chấp nhận hoặc từ chối mức bồi thường. Hơn nữa, động thái bồi thường không làm mất đi trách nhiệm hình sự của bị can. Đó chỉ là một tình tiết giảm nhẹ để làm căn cứ lượng hình trong quá trình xét xử.
Cũng nêu lên quan điểm về vụ việc, trả lời trên TTXVN, luật gia Đặng Văn Thành nêu quan điểm: “Ai cũng có thể nghĩ rằng, lứa tuổi lớp 9 như nạn nhân có thể đã dậy thì và có cảm xúc 'thích' các bạn khác giới và tò mò… Nhưng điều đó không có nghĩa là ‘sẵn sàng’ cho nhiều người lớn, bằng cỡ tuổi bố, mẹ mình ôm ấp, vuốt ve và… quan hệ tình dục nhiều ngày liền? Cũng khó có thể tưởng tượng, một bé gái lớp 9 đã có thể 'chủ động hành nghề chuyên nghiệp' để 'bẫy' 4 người đàn ông trưởng thành. Ngược lại, người ta có quyền đặt câu hỏi: Liệu có sự 'tình cờ' hay có chuẩn bị công phu từ trước khi bị can nhận là bố nuôi của bị hại. Từ phân tích này cho thấy, vụ việc rất dễ rơi vào tình huống nạn nhân đã phải 'quan hệ tình dục trái với ý muốn' - theo mô tả của pháp luật hình sự là hành vi cấu thành tội Hiếp dâm”.
Nguyễn Phượng (T/h)