Phát hiện sớm ung thư là một trong những chiến lược trọng tâm nhằm chống lại căn bệnh này. Các nhà nghiên cứu cố gắng đạt được điều đó bằng cách mô tả các triệu chứng bệnh ở cả 4 giai đoạn. Theo nghiên cứu của họ, có 3 triệu chứng liên quan nhiều nhất đến ung thư giai đoạn 4.
Năm 2020, chia sẻ trong bài viết trên tạp chí y khoa Lancet Oncology, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 7.997 bệnh nhân, qua đó đánh giá các triệu chứng ở các giai đoạn khác nhau của bệnh ung thư. Nghiên cứu hướng đến mục đích kiểm tra mối liên hệ giữa các triệu chứng phổ biến và giai đoạn ung thư khi chẩn đoán.
“Tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn 4 thay đổi đáng kể tùy theo các triệu chứng xuất hiện, từ 1% với nốt ruồi bất thường đến 80% với khối u ở cổ. 3 trong số các triệu chứng được kiểm tra, gồm khối u ở cổ, đau ngực và đau lưng, luôn liên quan đến việc tăng tỷ lệ mắc ung thư giai đoạn 4, dù ở trường hợp biểu hiện đơn lẻ hay kèm theo các triệu chứng khác”, các nhà nghiên cứu cho hay.
Đối với 12/20 triệu chứng được nghiên cứu, hơn 50% bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư các giai đoạn khác mà không phải giai đoạn 4. Tương tự, nghiên cứu cũng cho thấy đối với 19/20 triệu chứng, hơn 1/3 người bệnh được chẩn đoán ở các giai đoạn khác của ung thư. Một điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả những người mắc ung thư giai đoạn muộn đều tử vong.
Những cải thiện mạnh mẽ về mặt điều trị đồng nghĩa với việc tình trạng có thể được kiểm soát trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Ung thư giai đoạn 4 được chẩn đoán khi bệnh đã lan từ điểm ban đầu sang một cơ quan khác, thường được gọi là ung thư thứ phát hoặc di căn và khó chữa do chuyện loại bỏ u khỏi cơ thể không còn đơn giản.
Mục tiêu của các biện pháp điều trị là cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, đồng thời kéo dài sự sống cho người bệnh. Các phương pháp điều trị như hóa trị thường không được áp dụng để điều trị ung thư giai đoạn 4 vì rủi ro lớn hơn lợi ích.
Xạ trị được coi là phương pháp thay thế tốt vì có thể giúp thu nhỏ khối u, giảm các triệu chứng. Bên cạnh đó, liệu pháp miễn dịch hỗ trợ bằng cách tăng cường khả năng phòng vệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể để chống lại bệnh tật.
Bác sĩ chuyên khoa ung thư thường sẽ xác định phương pháp điều trị tốt nhất dựa vào loại ung thư và khu vực mà khối u lan rộng. Mặc dù các phương pháp điều trị giúp tăng đáng kể tỷ lệ sống sót ở người bệnh ung thư nhưng các bác sĩ vẫn khuyên mọi người nên chú ý đến việc phòng ngừa.
Các biện pháp bảo vệ sức khỏe được khuyến khích gồm chế độ ăn nhiều rau quả, thường xuyên hoạt động thể chất, giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh và áp dụng các phương pháp chống nắng khi ra ngoài trời.
“Bạn có thể giảm nguy cơ mắc ung thư bằng cách xây dựng các hành vi lành mạnh như giữ cân nặng ở mức hợp lý, tránh hút thuốc lá và hạn chế uống rượu”, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho hay.
Đinh Kim (Theo Express)