3 tháng chống dịch và “nhật ký tuyến đầu” đầy xúc động Đời Sống Pháp Luật
    +Aa-
    Zalo

    3 tháng chống dịch và “nhật ký tuyến đầu” đầy xúc động

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hơn 3 tháng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, Thiếu tá Đặng Kiên Trung không chỉ luôn nêu cao tinh thần chống dịch mà còn đặc biệt quan tâm, giúp đỡ người dân gặp khó khăn.

    Những khoảng lặng trong "nhật ký tuyến đầu"

    Những ngày đầu tháng 7, Tp.HCM bước vào cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Khi lãnh đạo đơn vị triển khai thông báo của Ban Giám đốc Công an Tp.HCM về việc tăng cường cán bộ hỗ trợ cho lực lượng chống dịch tại Công an các quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên địa bàn, Thiếu tá Đặng Kiên Trung, 37 tuổi không ngần ngại đăng ký tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch.

    3 thang chong dich va nhat ky tuyen dau day xuc dong 01
    Ngoài những giờ làm nhiệm vụ căng thẳng, Thiếu tá Trung luôn tranh thủ thêm thời gian nghỉ của mình để giúp đỡ bà con.

    Từ đó đến nay, gần 3 tháng Thiếu tá Trung tham gia làm nhiệm vụ tại “vùng đỏ” quận 12. Thiếu tá Trung vẫn luôn là một trong những cán bộ sốt sắng nhất, vừa thực hiện nhiệm vụ chống dịch, vừa tìm mọi cách hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn.

    Những câu chuyện buồn, vui trong khoảng thời gian đặc biệt này được anh ghi lại trong “nhật ký tuyến đầu” đầy xúc động của mình.

    Chia sẻ với ĐS&PL, Thiếu tá Trung cho biết: “Thời điểm đó tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, ngay khi biết Thành phố đang cần lực lượng tăng cường cho tuyến đầu, mình đăng ký tham gia, về nhà chuẩn bị đồ đạc, gửi hai cô con gái nhỏ chỉ mới 2 tuổi và 5 tuổi cho bà ngoại chăm sóc, rồi lên đường đến Công an quận 12 nhận nhiệm vụ”.

    Hằng ngày, Thiếu tá Trung cùng đồng đội được phân công nhiệm vụ đảm bảo an ninh tại các chốt kiểm soát và tuần tra chống dịch trên địa bàn phường Trung Mỹ Tây (quận 12).

    Khoảng thời gian đầu mọi thứ cực kỳ căng thẳng và nặng nề. Các anh em trong tổ công tác chịu áp lực từ mọi phía. Tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhiều đồng chí tuyến đầu nhiễm bệnh khiến ai cũng lo lắng. Mặt khác, nhiều người dân vẫn bất chấp ra đường mặc dù có “lệnh cấm”.

    “Mình làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát, khi thấy người dân ra đường không có lý do chính đáng, mình chặn lại giải thích và yêu cầu họ quay về nhà.

    Nhiều người năn nỉ, kể khổ mong lực lượng cho qua nhưng đến khi không được thì quay ra chửi anh em không còn gì cả. Những hôm như vậy tâm lý mình rất nặng nề, cả ngày thấy chán nản", Thiếu tá Trung chia sẻ.

    3 thang chong dich va nhat ky tuyen dau day xuc dong 02
    Một "trang nhật ký" buồn trong hành trình giúp đỡ những bệnh nhân Covid-19 được Thiếu tá Trung ghi lại.

    Dù nhiều khó khăn, áp lực nhưng hằng ngày, ngoài thời gian làm nhiệm vụ tại tuyến đầu, anh vẫn tranh thủ lúc nghỉ ngơi để làm công tác thiện nguyện, giúp đỡ người dân gặp khó khăn.

    Trước đó, anh cùng một số bạn bè huy động được hàng trăm bình oxy và các đợt hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con.

    Tận dụng các nguồn tin và công tác nắm địa bàn trong quá trình công tác, Thiếu tá Trung luôn biết những nơi mà người dân đang thật sự khó khăn và cần được giúp đỡ nhất. Nhờ đó, công tác thiện nguyện đảm bảo đúng người, đúng lúc.

    Đặc biệt là trong quá trình hỗ trợ oxy cho các bệnh nhân Covid-19, cần sự nhanh chóng, kịp thời. Nhờ công tác ở tuyến đầu, việc di chuyển qua các chốt tiện lợi nên Thiếu tá Trung thường đảm nhận việc vận chuyển oxy đến với các bệnh nhân.

    Tuy nhiên, cũng không ít lần anh phải xót xa nhìn bệnh nhân không qua khỏi do tuổi cao và bệnh nền khiến tình trạng trở nặng nhanh chóng.

    “Nhìn những bệnh nhân mình hỗ trợ không thể vượt qua, thật sự rất đau lòng, đó là những đêm về cơ quan nằm trằn trọc mãi, không thể ngủ được. Những lần như vậy luôn thôi thúc bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn nữa.

    Đối với mình, việc thiện nguyện như một niềm an ủi, động viên trước những khó khăn trong cuộc sống, giúp được người khác bản thân mình cũng thấy nhẹ lòng", anh Trung chia sẻ.

    Thợ sửa xe “bất đắc dĩ” trên đường tuần tra

    Trong suốt 3 tháng tham gia chống dịch, những lần tuần tra trên đường cũng để lại cho Thiếu tá Trung không ít câu chuyện dở khóc dở cười. Như một lần mới đây, anh trở thành thợ sửa xe “bất đắc dĩ” trên đường tuần tra chống dịch.

    Đó là ngày 22/9, khi đang làm nhiệm vụ thì tổ tuần tra của Thiếu tá Trung phát hiện một phụ nữ dựng xe, ngồi bệt bên vệ đường. Thấy vậy, tổ tuần tra đến hỏi thăm và được biết chị đang trên đường đi làm thì bị hỏng xe. Không gọi được ai hỗ trợ và cũng không đẩy xe được nên chưa biết xoay xở ra sao.

    Thời điểm giãn cách xã hội, các tiệm sửa xe đều đóng cửa. Thấy xe chị bị gãy cốt bánh sau, anh cùng một chiến sĩ khác chạy đi gõ cửa tiệm sửa xe, mua phụ tùng, sẵn mượn đồ nghề rồi quay lại giúp chị. Biết chị là nhân viên y tế anh cũng không lấy lại tiền mua phụ tùng mà xem đó như món quà gửi đến người "chiến binh áo trắng".

    Tuy nhiên, lần mà anh Trung nhớ nhất và cũng xót xa nhất là trường hợp của chị N.T.S. (ngụ quận 12). Lần đó, trên đường đi tuần, tổ công tác của anh Trung bất ngờ phát hiện chị S. đang đứng khóc trên sân thượng của một tòa nhà.

    Ngay lập tức, tổ công tác triển khai tiếp cận, đích thân Thiếu tá Trung lên sân thượng để trấn an người phụ nữ.

    Chị S. cho biết, chị ở quê lên thành phố kiếm sống, không có người thân. Dịch bệnh ập đến, chị thất nghiệp, không có tiền đóng trọ nên bị chủ nhà đuổi đi. Trong lúc túng quẫn, chị chỉ muốn “chết đi cho rồi”.

    Thiếu tá Trung và các đồng đội liên tục động viên, trấn an để chị S. bình tĩnh, sau đó đưa chị xuống. Trường hợp chị S. nhanh chóng được báo cáo chính quyền địa phương, để sắp xếp phòng trọ 0 đồng và các túi an sinh giúp chị tạm thời vượt qua khó khăn.

    3 thang chong dich va nhat ky tuyen dau day xuc dong 03
    Thiếu tá Trung (bên trái) vận động được 200 phần quà, cùng đồng đội tổ chức một đêm Trung thu đầy ý nghĩa cho các em nhỏ ở quận 12.

    “Mong nhanh hết dịch để về ôm con vào lòng”

    Ngoài những công tác xã hội, người cha của hai cô con gái nhỏ cũng chia sẻ, nhiều lúc nhớ nhà, nhớ con quá, tranh thủ ghé về một lúc nhưng phải đứng từ xa, nhìn con gái qua lớp cửa kính mà không dám vào.

    “Đứa con gái nhỏ 2 tuổi thấy ba về, dán mặt vào cửa gọi “ba bế con, ba bế con”, mình nghe mà nước mắt chảy vào trong, chỉ muốn nhanh hết dịch để được về ôm con vào lòng", anh Trung nghẹn ngào chia sẻ.

    Anh cho biết, hai thiên thần nhỏ chính là nguồn động lực lớn để bản thân ra sức tham gia chống dịch. Nhiều lần cơ quan đề nghị rút anh về vì thuộc diện có con nhỏ và hai vợ chồng đều công tác trong ngành nhưng Thiếu tá Trung từ chối.

    Anh chia sẻ, không muốn về giữa chừng khi nhiệm vụ chưa tròn, anh em, đồng đội vẫn phải căng mình chống dịch.

    Trước lúc tạm biệt chúng tôi, Thiếu tá Trung tâm sự: “Mình sẽ tiếp tục nhiệm vụ đến khi nào tình hình dịch bệnh ổn định, Thành phố bước vào giai đoạn "bình thường mới", lúc đó về với các con cũng chưa muộn. Điều mình mong muốn nhất chính là sự an toàn cho gia đình và xã hội".

    A.Bình

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (158)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/3-thang-chong-dich-va-nhat-ky-tuyen-dau-day-xuc-dong-a515721.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Xuân Đạt: Lan tỏa hơi ấm trong mùa dịch.

    Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Xuân Đạt: Lan tỏa hơi ấm trong mùa dịch.

    Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Xuân Đạt đã dành thời gian tư vấn miễn phí cho hàng trăm ca F0 trong suốt thời gian qua. Khi mà tình hình dịch bệnh ở Việt Nam diễn biến phức tạp, y tế quá tải, nhiều F0 chưa được tiếp cận y tế ngay lập tức thì những điều bác sĩ Đạt đã làm, đã đóng góp cho xã hội thật chân quý.

    Tin cùng chuyên mục
    Nổi bật trong ngày