Đông Nam Á hiện nay là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới nhưng trong lịch sử, những quốc gia này có thể đã mắc 3 sai lầm nghiêm trọng.
Những sai lầm trong lịch sử đã kéo lùi sự phát triển của nhiều nền kinh tế Đông Nam Á - Ảnh: BusinessInsider |
Tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố một kết quả điều tra cho thấy Nam Á là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trên toàn thế giới. Trong đó, Đông Nam Á hưởng lợi từ sự nhộn nhịp này, duy trì mức tăng trưởng ở 5.2%.
Tuy nhiên, thật khó để nói rằng những nền kinh tế ở đây đã đạt được thành tựu lớn và có một thực tế không thể chối cãi rằng họ đã bị các láng giềng ở Đông Bắc Á bỏ xa hàng chục năm phát triển. 3 sai lầm lịch sử dưới đây có thể là nguyên nhân cho màn “hóa rồng” chậm trễ này:
Đô thị hóa quá nhanh
Sở hữu điều kiện khí hậu thuận lợi, các quốc gia Đông Nam Á đều có truyền thống lâu đời trong nông nghiệp hoặc xuất phát từ nền văn minh lúa nước. Tuy nhiên, vào những năm 40, 50 của thế kỷ trước, các chính phủ chỉ tập trung vào khu vực đô thị.
Những cuộc cải cách ruộng đất trong thời kỳ này thường không đạt được hiệu quả và tồi tệ nhất có lẽ là trường hợp của Philippines khi chính quyền của cựu Tổng thống Marcos chỉ trao được 5% đất canh tác cho các hộ gia đình, theo số liệu của quân đội nước này. Những người nông dân được trả khoản lương khoán ít ỏi không còn quan tâm đến việc tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu dừa và mía cho Mỹ của Philippines hoàn toàn bị lãng phí.
Tình trạng tương tự diễn ra ở các quốc gia khác. Ngay cả đối với một nước không trải qua thời kỳ chiến tranh và đang đứng đầu về sản lượng gạo xuất khẩu như Thái Lan, nền tảng nông nghiệp mỏng manh đã không thể hỗ trợ cho công nghiệp hóa.
Ngày nay, tốc độ đô thị hóa của các quốc gia này vẫn tiếp tục nhảy vọt nhưng thu nhập bình quân đầu người không tăng lên. Cá biệt, theo nghiên cứu năm 2017 của Viện Martin Prosperity, Malaysia có tốc độ đô thị hóa lên tới 75%, chỉ xếp sau Mỹ và Australia nhưng thu nhập bình quân trên đầu người lại giảm xuống.
Mở cửa thị trường tự do khi chưa sẵn sàng
Năm 1989, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những định chế tài chính toàn cầu như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) bắt đầu cử đội ngũ chuyên gia đi khắp mọi nơi trên thế giới để rao giảng công thức “làm giàu” của Mỹ hay còn được gọi là “thị trường tự do”.
Trên thực tế, các quốc gia Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ chấp nhận mở cửa thị trường khi họ đã cơ bản hoàn thành quá trình công nghiệp hóa và sở hữu đội ngũ quản lý hệ thống tài chính, tín dụng có trình độ. Đối với những quốc gia Đông Nam Á non trẻ đang loay hoay định hướng chính sách phát triển, thị trường tự do là liều thuốc độc.
Thiếu cơ sở công nghiệp vững chắc, những dòng vốn nước ngoài đổ vào đã thổi phồng thị trường chứng khoán và bất động sản nhưng lại khiến đồng tiền quốc gia mỏng manh hơn bao giờ hết. Trước khi từ chức bộ trưởng Tài chính Malaysia vào năm 1991, tỷ phú Daim Zainuddin từng phát biểu: “Chẳng ai muốn làm việc nữa. Họ chỉ ba hoa về cổ phiếu”.
Tháng 7/1997, chính phủ Thái Lan tuyên bố thả nổi đồng bath. Cơn khủng hoảng nhanh chóng lan ra toàn khu vực, kéo theo những bất ổn về chính trị. Trong khi Thủ tướng Malaysia Mahathir vào thời điểm đó vẫn mải mê buộc tội “những kẻ đầu cơ ngoại tệ” gây ra suy thoái, người đồng nhiệm của ông ở Indonesia là cựu Tổng thống Suharto đã không may mắn như vậy. Tháng 5/2018, trước làn sóng phản đối của hàng trăm nghìn sinh viên, Suharto tuyên bố từ chức.
Chiến dịch công nghiệp hóa “nửa vời”
Đánh đổi lại một nền nông nghiệp lãng phí nhiều tiềm năng, những quốc gia Đông Nam Á cũng thiếu một chiến lược phát triển công nghiệp nhất quán. Những doanh nghiệp quốc doanh được bảo hộ chặt chẽ trong giai đoạn mở cửa thị trường nhanh chóng trở thành nhóm tư bản thân hữu chỉ mong muốn đầu tư sinh lời ngắn hạn.
Ngược lại, ở Đông Bắc Á, các tập đoàn công nghiệp then chốt như tập đoàn thép POSCO của Hàn Quốc hay Mitsubishi của Nhật Bản phải chịu một hạn mức xuất khẩu cố định. Đây là cách thức các chính phủ sử dụng để tiếp thu công nghệ từ các nước phát triển, đặt nền tảng xuất khẩu lâu dài và tăng chất lượng hàng hóa nội địa.
Các quốc gia Đông Nam Á, điển hình nhất là thất bại của Malaysia, đã không thể điều khiển được các doanh nhân. Tỷ phú Lim Goh Tong, sau khi nhận được quyền đấu thầu cao nguyên Genting, đã xây dựng hệ thống resort và casino phục vụ một tầng lớp người giàu cá biệt trong khi ngành công nghiệp thép và cao su đầy tiềm năng chỉ dành phục vụ cho một doanh nghiệp ô tô duy trì cầm chừng nhờ chính phủ.
Tương lai của kinh tế khu vực hiện nay là một điều khó đoán với sự bùng nổ dễ thấy của sàn cổ phiếu và bất động sản. Liệu những sai lầm có sớm được khắc phục trước những biến đổi khốc liệt của thị trường quốc tế và cách mạng công nghệ 4.0?
Thu Phương