Điều kiện tham gia đấu giá: Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 51 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12, ngày 17/11/2010 và đảm bảo điều kiện hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản; theo quy định tại Điều 38 Luật Đấu giá tài sản và Luật Khoáng sản. Hình thức đấu giá: Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá nhiều vòng. Địa điểm đấu giá tại Sở TN&MT TP Hà Nội.
Theo thông tin mà Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam đưa ra, Mỏ Châu Sơn tại xã Châu Sơn huyện Ba Vì có diện tích 169.300 m2, trữ lượng 703.536m3. Giá khởi điểm là 2.881.000.000 đồng, tiền đặt trước 432.150.000 đồng.
Mỏ Tây Đằng - Minh Châu tại thị trấn Tây Đằng, xã Minh Châu, xã Chu Minh, huyện Ba Vì có diện tích 815.306 m2, trữ lượng: 4.899.000 m3. Giá khởi điểm là 19.290.000.000 đồng, tiền đặt trước 2.893.500.000 đồng.
Mỏ Liên Mạc (Thượng Cát) tại phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm có diện tích 157.300 m2. Trữ lượng 508.60 3m3, giá khởi điểm là 2.051.000.000 đồng với số tiền đặt trước 307.650.000 đồng.
Thời gian qua vấn đề vật liệu san lấp là vấn đề nóng và luôn được dư luận quan tâm. Tại Hội thảo “Giải pháp sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình hạ tầng giao thông” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 27/9 tại Hà Nội cho thấy những ảnh hưởng của việc thiếu nguồn vật liệu san lấp và tình trạng khai thác cát san lấp phục vụ thi công một số dự án trọng điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, công trình hạ tầng giao thông nói chung và công trình đường bộ cao tốc nói riêng thường được cấu tạo với các lớp vật liệu nền, móng, mặt đường. Trong đó, các đoạn tuyến đường đi qua vùng đồng bằng thường gặp nền đất yếu đòi hỏi phải có giải pháp xử lý nền, thay đất, tôn cao độ nền, do đó khối lượng vật liệu đất (cát) cần sử dụng là rất lớn. Với giải pháp sử dụng cát sông để đắp nền đường như hiện nay, trữ lượng của các mỏ cát đang được cấp phép khai thác sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu, nguồn tài nguyên cát sẽ sớm cạn kiệt; đồng thời gây ra tình trạng sói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp đất liền, làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, tác động xấu đến môi trường, an sinh xã hội.
Tại dự án Đường vành đai 4 vùng Thủ đô, khó khăn chủ yếu ảnh hưởng đến tình hình thi công dự án là nguồn vật liệu đất, cát.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án Đường vành đai 4 vùng Thủ đô cho rằng cần đơn giản hoá các thủ tục và áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chỉ định khai thác theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Ngoài ra Bí thư Hà Nội cũng đề nghị, giao Công an thành phố vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc thực hiện pháp luật về khai thác khoáng sản tại các mỏ cát, mỏ đất trên địa bàn thành phố. Kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản, ưu tiên phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia.
Hiện nay do nguồn cung giảm nên giá cát xây dựng trên địa bàn Hà Nội tăng rất mạnh đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đang triển khai các công trình xây dựng. Tình trạng này cũng khiến cho việc xuất hiện nhiều cá nhân thực hiện hành vi khai thác cát trái phép nhằm thu lợi bất chính. Chưa kể, việc khai thác bừa bãi, tràn lan còn dẫn đến biến dạng bờ bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái. Thời gian qua, Công an TP Hà Nội cũng đã vào cuộc xử lý nhiều vụ việc khai thác trái phép trên địa bàn.
Chính vì thế việc đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội trong thời gian tới sẽ góp phần giải quyết cơn “khát” về vật liệu tại TP Hà Nội và các địa phương lân cận. Đồng thời làm căn cứ để các cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát tình trạng khai thác tài nguyên.
Trao đổi với phóng viên một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng cho biết, tiềm năng của những mỏ được đấu giá đợt tới là rất lớn. Với chất lượng cát cao việc đấu giá có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, vị này cũng bày tỏ quan ngại trong công tác giám sát các đơn vị trúng đấu giá hoạt động khai thác, nếu không chặt chẽ rất dễ dẫn đến việc khai thác quá trữ lượng, khai thác ngoài giờ hay khai thác bên ngoài chỉ giới. Đồng thời khâu đấu giá mỏ cũng cần kiểm soát chặt tránh tình trạng “quân xanh quân đỏ” ép giá, dìm giá thấp gây thất thoát ngân sách.
Có thế thấy thông qua việc đấu giá sẽ giúp quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn Thành phố; phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt là góp phần hạn chế tối đa hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố hiện nay.