Vũ khí mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sở hữu gồm cả súng trường tấn công StG 44 Sturmgewehr của Đức thời Thế chiến II và hệ thống phòng không vác vai tiên tiến của Trung Quốc.
Hệ thống phòng không FN-6 (Trung Quốc)
Hệ thống phòng không vác vai FN-6. Ảnh: AMN |
Hôm 3/2/2018, ở tỉnh Idlib, phiến quân đã dùng FN-6 bắn hạ một cường kích Su-25 của Nga, khiến phi công thiệt mạng.
Hệ thống phòng không vác vai FN-6 của Trung Quốc thực sự là "ác mộng" đối với quân đội Nga. FN-6 có khả năng sát thương cao, tính năng chiến đấu hiệu quả, lại nhỏ gọn rất linh hoạt trên chiến trường.
FN-6 thường được sử dụng trong các nhiệm vụ bảo vệ đơn vị, phương tiện và vũ khí trước trực thăng, máy bay tầm thấp, phương tiện bay không người lái của đối phương.
Tỷ lệ bắn trúng mục tiêu không được bảo vệ của FN-6 là 70%, con số này sẽ giảm xuống nếu mục tiêu sử dụng các biện pháp phòng chống như bẫy hồng ngoại.
Hiện loại vũ khí này đang có trong biên chế của cả lực lượng SDF lẫn khủng bố IS. Hai lực lượng này đã nhiều lần hạ gục trực thăng của Nga và Syria.
"Làm thế nào thứ vũ khí này lại rơi vào tay phiến quân? Câu trả lời rất đơn giản. Nó là phiên bản xuất khẩu của MPADS HY-6 Trung Quốc, có thể tìm thấy tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Campuchia, Peru, Pakistan… Nhiều khả năng nó đã có mặt tại Trung Đông và sau đó đến tay phiến quân", giáo sư Vadim Kozyulin tại Học viện Khoa học quân sự Nga phán đoán.
Súng trường tấn công StG 44 Sturmgewehr (Đức)
Một lính bắn tỉa Đức sử dụng khẩu Stg-44 gắn kính ngắm trên chiến trường. Ảnh: Getty |
Năm 2012, khi cuộc nội chiến ở Syria vừa bùng lên, lực lượng Quân đội Tự do Syria nổi dậy đã tìm thấy một kho chứa với 5.000 khẩu súng vẫn còn bóng dầu mỡ trên sa mạc. Họ nghĩ rằng đã phát hiện ra kho súng AK của quân đội chính phủ, và hoan hỉ chia nhau số chiến lợi phẩm này.
Các chiến binh nổi dậy Syria lúc đó không ngờ được rằng họ đang nắm trong tay một "kho báu" mà các nhà sưu tập vũ khí trên thế giới phải mơ ước, đó là những khẩu súng StG 44 Sturmgewehr, loại vũ khí đầy uy lực của quân đội phát xít Đức hồi Thế Chiến II, nguồn cảm hứng cho nhiều loại súng trường tấn công hiện đại sau này, trong đó có AK-47, theo Military.
Quân đội Nga đã bắt gặp những khẩu StG 44 Sturmgewehr được gắn thêm phụ kiện ở Syria. Chẳng hạn như, phiến quân đã gắn thêm các ray Picatinny để lắp thiết bị ngắm bắn. Ngoài ra, chúng còn thay thế tay cầm trước và lắp thêm ống phóng lựu tự chế.
Một đặc điểm đáng chú ý khác của những khẩu súng này là đạn 7.92x33 mm – loại đạn rất đặc trưng mà Đức đã không sản xuất kể từ sau Thế chiến II. Theo ông Kozyulin, phiến quân có thể có được loại đạn này theo hai cách: lấy được từ các kho chứa mà chúng đã thu giữ các khẩu StG 44 Sturmgewehr, hoặc "tự sản xuất".
Xe tăng Centurion MK 3 (Anh)
Xe tăng Centurion MK 3. Ảnh: Sputnik |
Trong các cuộc giao tranh diễn ra vào tháng 11/2015 tại tỉnh Latakia, quân đội Syria – được Nga yểm trợ - đã đối chọi với một chiếc xe tăng góc cạnh bất thường, khác hẳn với những cỗ xe tăng cổ của Liên Xô đang đóng vai trò chủ lực trong lực lượng thiết giáp hạng nặng của phiến quân.
Sau màn đấu hỏa lực dữ dội, quân chính phủ Syria đã giành chiến thắng, họ quyết định tới xem xét "con quái vật" kỳ dị này.
Thực chất, đó là một cỗ xe tăng Centurion MK 3 cổ của Anh, có từ những năm 1950. Điều đáng chú ý nhất là nó được Anh thiết kế trong thời kỳ Thế chiến II. Ai ngờ rằng cỗ xe tăng ấy lại tham chiến tại Trung Đông 70 năm sau đó?
Chiếc xe tăng MK 3 của phiến quân được trang bị pháo 83,8mm. Xe tăng này cũng đã lăn xả trong các cuộc xung đột giữa Ả Rập – Israel ở Trung Đông.
Giáo sư Vadim Kozyulin tại Học viện Khoa học quân sự Nga cho hay, các phần tử phiến quân đã mua/đánh cắp/chiếm giữ được cỗ xe tăng này ở Jordan – quốc gia có tới 300 xe tăng Centurion MK 3 trong tổng cộng 700 chiếc được sản xuất.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)