Kiểm tra hành lý của nam hành khách vừa xuống chuyến bay từ châu Phi, Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tìm thấy 3 khúc sừng tê giác nặng 1,5 kg được quấn giấy bạc, giấu trong 2 trống đồ chơi.
Vnexpress đưa tin, ngày 8/5, nam thanh niên 20 tuổi vừa xuống chuyến bay từ châu Phi thì bị Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP HCM) chặn lại.
Kiểm tra hành lý của anh này, lực lượng chức năng tìm thấy 3 khúc sừng tê giác nặng 1,5 kg được quấn giấy bạc, giấu trong 2 trống đồ chơi. Đây là sừng của loài tê giác hai sừng châu Phi (Diceros bicornis) rất quý hiếm, giá trị tang vật ước tính 2 tỷ đồng.
Số sừng tê giác vừa bị bắt giữ - Ảnh: Dân Trí |
Theo báo Thanh Niên, nghi phạm đã cất giấu rất tinh vi số sừng tê giác nói trên trong các hộp đồ chơi trẻ em nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát và thu thập thông tin, cơ quan hải quan đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ việc trên.
Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đang tiến hành các thủ tục để khởi tố vụ án và tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ đường dây.
Theo báo Dân Trí, trước đó, trong tháng 4 vừa qua, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TPHCM phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 5 kg sừng tê giác và hơn 4 kg các sản phẩm chế tác từ ngà voi Châu Phi và vảy con tê tê.
Điều 154. Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào vận chuyển trái phép qua biên giới thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm: a) Hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này; b) Vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá, đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm; c) Hàng cấm có số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: a) Vật phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Hàng cấm có số lượng rất lớn; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Phạm tội nhiều lần; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội trong trường hợp hàng phạm pháp có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc hàng cấm có số lượng đặc biệt lớn, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp