Những hành vi sai trái của trẻ thường khiến cha mẹ bực mình và đưa ra các hình phạt. Tuy nhiên, có những hình phạt quá mức, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trang Sina chỉ ra 3 kiểu trừng phạt bố mẹ thường áp dụng và nghĩ sẽ có hiệu quả với con, nhưng thực chất nó lại gây tổn thương sâu sắc cho đứa trẻ. Hãy tránh ba kiểu trừng phạt sau.
Đòn roi không khiến trẻ lớn lên - Ảnh: Minh họa |
- Chửi mắng, trừng phạt con trước mặt mọi người
Mỗi đứa trẻ đều có lòng tự trọng riêng. Trẻ càng lớn, lòng tự trọng càng cao. Vì thế, đừng bao giờ trừng phạt trẻ trước đông người, đặc biệt là những người mà trẻ thường tiếp cận, bởi điều đó gây ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cảm xúc của trẻ.
Khi bị trừng phạt trước đông người, bé cảm thấy xấu hổ, kém cỏi, yếu đuối và nếu tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, cảm xúc tiêu cực tích tụ đạt đến đỉnh điểm có thể dẫn đến những hành động khủng khiếp.
Trong trường hợp trẻ đủ mạnh mẽ để vượt qua "sự trừng phạt" này của bố mẹ, thì hình phạt ấy cũng để lại cho con những ký ức, ấn tượng khó phai trong thời gian dài. Ở tuổi trưởng thành, khi cuộc sống gặp khó khăn, chúng thường có suy nghĩ tiêu cực, không dám nhìn nhận vào lỗi lầm của bản thân và sợ thất bại.
- Trừng trị bằng cách "vứt bỏ" trẻ
Ai trong chúng ta cũng từng ít nhất bị bố mẹ đuổi khỏi nhà khi còn bé, thậm chí còn bị bố mẹ đóng cửa lại, nhốt ở ngoài và dọa "nếu không ngoan sẽ không nuôi nữa".
Và trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh, mục đích của việc này chỉ là để đe dọa chứ không hề có ý ruồng bỏ. Tuy nhiên, với đứa trẻ đó lại là một hình phạt tàn khốc. Khi bị người mình tưởng rằng yêu mình nhất ruồng bỏ trẻ dễ rơi vào tình trạng hoảng loạn, sợ hãi. Sau này dễ trở thành những đứa trẻ thiếu tự tin, làm gì cũng sợ bị mọi người ghét bỏ.
- Dùng bạo lực để trừng phạt
Không ít cha mẹ có xu hướng bạo lực, dùng đòn roi, "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với con cái. Tuy nhiên, đòn roi không phải là cách nuôi dạy con nên người.
Khi thường xuyên bị bố mẹ "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", trẻ sẽ luôn sống trong tâm lý rụt rè, nhút nhát, sợ sai lầm. Lớn hơn, trẻ sẽ có xu hướng bạo lực giống bố mẹ, coi bạo lực là cách để giải quyết vấn đề.
Bố mẹ cần hiểu rằng trẻ em không thể tránh khỏi sai lầm trong quá trình khôn lớn, cho đến khi trưởng thành. Dù trẻ mắc lỗi gì, trước tiên, các bậc phụ huynh cần phải tìm lý do từ chính mình, xem mình đã uốn nắn con phù hợp chưa, thay vì áp dụng ba loại hình phạt trên.
Quỳnh Chi(T/h)