+Aa-
    Zalo

    3 dòng xe chiến lược của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chiến lược hướng đến việc hỗ trợ chính sách để phát triển ngành ô tô trong nước, các nhóm sản phẩm ưu tiên gồm: xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên; xe chở người đến 9 chỗ; xe chuyên dụng và công nghiệp hỗ trợ.

    (ĐSPL) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, chiến lược vẫn tiếp tục hướng đến việc hỗ trợ chính sách để phát triển ngành ô tô trong nước, các nhóm sản phẩm ưu tiên gồm:  xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên; xe chở người đến 9 chỗ; xe chuyên dụng và công nghiệp hỗ trợ.

    Đối với xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên, chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, huyện, nội đô… phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành hợp lý, an toàn và tiện dụng.

    3 dòng xe chiến lược của ngành công nghiệp ô tô
    Tập trung sản xuất các dòng xe tải nhỏ đa dụng

    Đối với xe chở người dưới 9 chỗ, tập trung vào dòng xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân.

    Đối với xe chuyên dụng, lựa chọn sản xuất, lắp ráp một số chủng loại xe có nhu cầu lớn (xe chở beton, xe phục vụ an ninh, quốc phòng...); khuyến khích sản xuất xe nông dụng nhỏ đa chức năng (kết hợp vận tải hàng hoá với một hay nhiều tính năng như làm đất, bơm nước, phát điện, phun thuốc sâu...) để đáp ứng nhu cầu của đồng bào vùng nông thôn và miền núi.

    Về công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô cũng được Thủ tướng phê duyệt theo quan điểm tiếp cận và ứng dụng công nghệ để chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe... cho một vài chủng loại xe; tăng cường hợp tác với các hãng ôtô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất-cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.

    Mục tiêu tổng quát của chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng. Đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78\% so với nhu cầu nội địa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô thế giới.

    Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu, rà soát, cải cách các chính sách thuế, phí (thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc và linh, phụ kiện, thuế tiêu thụ đặc biệt…) bảo đảm khả thi và ổn định lâu dài, phù hợp với các cam kết quốc tế. Đưa ra các định hướng xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ, các chính sách cho vay dài hạn vốn tín dụng đầu tư phát triển với lãi suất phù hợp theo từng thời kỳ đối với những dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/3-dong-xe-chien-luoc-cua-nganh-cong-nghiep-o-to-viet-nam-a41765.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.