(ĐSPL) - Trong ngày nghỉ Tết Dương lịch đầu tiên (31/12), cả nước đã xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông khiến 23 người thiệt mạng và 9 người bị thương.
Theo tin tức trên báo Vietnamnet, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày nghỉ Tết dương lịch đầu tiên (31/12), cả nước đã xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 23 người thiệt mạng và 9 người bị thương.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông. (Ảnh: Vietnamnet) |
Báo Tri thức trực tuyến cũng đưa tin, trong ngày đầu kỳ nghỉ Tết Dương lịch, lực lượng CSGT đã phát hiện và lập biên bản xử lý 1.454 trường hợp vi phạm trật tự ATGT; nộp Kho bạc Nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng; tạm giữ 101 phương tiện; tước 122 giấy phép lái xe.
Lực lượng cảnh sát đường thủy đã kiểm tra, xử lý 153 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước 70 triệu đồng.
Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia thông tin thêm, ngày 31/12 là ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2017, tuy nhiên từ chiều 30/12 nhiều người dân tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã tranh thủ về quê, khiến các bến xe, nhiều tuyến đường vành đai và cửa ngõ bị quá tải.
Tại Hà Nội, đầu tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ô tô xếp hàng dài hơn 3 km. Tại bến xe Mỹ Đình, việc hơn trăm nhà xe đình công khiến hàng ngàn hành khách đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An… phải chờ đợi cả nửa ngày trong sự mệt mỏi, lo lắng.
Nhiều hành khách đã phải di chuyển sang bến Giáp Bát và Nước Ngầm để bắt xe về quê gây mất trật tự, giá xe ôm tăng cao gấp đôi. Tại các bến Giáp Bát, Nước Ngầm, lượng hành khách cũng tăng khoảng 50% so với ngày thường.
Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, ngay từ chiều 30/12 trên nhiều tuyến đường, lưu lượng phương tiện di chuyển cùng hàng hoá tăng cao hơn bình thường.
Tình trạng ùn tắc diễn ra cả trong và ngoài cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Khu vực dẫn vào sân bay, hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau, nhích từng chút một. Trong sân bay, máy bay cũng xếp hàng chờ cất cánh ngay từ đầu giờ chiều ngày.
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ (Luật Giao thông đường bộ năm 2018) 1. Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. 2. Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, từng bước hiện đại và đồng bộ; gắn kết phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác. 3. Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. 4. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 5. Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. 6. Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet nên chỉ mang tính tham khảo. |
(tổng hợp)