+Aa-
    Zalo

    20 năm vật đổi sao dời: Tình thầy nghĩa bạn đời đời sáng trong!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐS&PL) Thấm thoắt thoi đưa Lớp 12A (1996 - 1999) - Trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai - Hà Nội) đã rời mái trường cấp ba quê nhà tròn 20 năm.

    (ĐS&PL) Thấm thoắt thoi đưa Lớp 12A (1996 - 1999) - Trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai - Hà Nội) đã rời mái trường cấp ba quê nhà tròn 20 năm. Gần một phần tư thế kỷ mỗi đứa tự lựa chọn cho mình con đường đi tiếp tới tương lai. Đứa thì đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Đứa học tiếp lên cao. Đứa lại bám trụ lại quê hương phát triển làng nghề...

    Vì mưu sinh cuộc sống và những bộn bề của việc công việc tư, ít có lúc nào chúng tôi gặp mặt được đông đủ. Cuộc hội ngộ 20 năm tình thầy nghĩa bạn được diễn ra tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam vào ngày 30/4/2019 được kỳ vọng là một dấu ấn không thể phai mờ trong tâm trí mỗi thành viên, làm sống lại những ký ức tuổi thơ.

    Ai cũng có một tuổi thơ được xem là quá khứ, một phần kỷ niệm hay những gì gợi nhớ thương trong tâm hồn. Ai đó đã ví tuổi trẻ ngọt ngào như dòng suối mát, nhưng cũng hung hăng như một con sông mùa lũ. Nhưng đó là khoảng thời gian dẫu không thật bình yên thì cũng đủ mơ màng để in dấu trong sâu thẳm tâm hồn:

    Sông Đáy ơi những trưa hè tắm mát

    Phủ Quốc quê mình bao dấu ấn tuổi thơ.

    Mái trường xưa lưu danh Cao Bá Quát

    Danh sĩ Bắc Hà sử sách mãi còn ghi

    Anh ra đi giữa đêm đông buồn vằng

    Em ở lại khắc khoải những nhớ mong.

    Quê hương ơi bao giờ được trở lại?

    Với mái đình xưa, bến nước, con đò

    Với tiếng sáo diều và lời ru của mẹ

    Ơn nghĩa thầy cô gieo những ước mơ.

    Khoảng thời gian nhạt nhòa mưa xối

    Khoảng cách chia nhuộm đỏ lá bàng rơi

    Hai mươi năm lòng khắc khoải chờ mong

    Về với trường xưa gặp lại bạn hiền.

    Đùa với cánh cò bay giữa đồng lúa chín

    Vui giữa tuổi thơ đầu trần chân đất

    Thương bờ vai mẹ nặng trĩu gian lao

    Nhớ nụ cười cha khi con vào đại học.

    Bâng khuâng ước thành hạt mưa sa

    Thèm lay ướt vòm cây xanh lá cũ

    Được ùa về trong nỗi niềm cổ tích

    Tìm lại chính mình những năm tháng tuổi thơ.

    ban

    Lớp 12A (1996 - 1999) Trường THPT Cáo Bá Quát, Quốc Oai ngày ra trường 20 năm trước

    Gần đến ngày hội ngộ 20 năm, những dòng ký ức cứ tuôn trào về những tháng ngày "hàn vi", gian khó xa quê có nhau. Thủa ấy, lớp chúng tôi những cô tú cậu tú trưởng thành ở vùng quê làm nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội. Phần lớn gia cảnh đều khó khăn. Không ít gia đình "sợ" con mình đỗ đạt vì chẳng có tiền theo đuổi ăn học tốn kém mấy năm trời ở nơi phố thị phồn hoa Hà Thành. Nhưng rồi lòng hàm học và ý chí vươn lên đã thôi thúc chúng tôi thuyết phục gia đình cho lên "Kinh kì" để vừa thi vừa học vừa làm, tự trang trải chi phí hoặc lựa chọn những bước đường phù hợp để lập nghiệp, đứng vững giữa dòng đời bằng chính sức lực của mình.

    Thủa ấy, một nhóm trong lớp chúng tôi khi mới ra Hà Nội đã tìm một ngôi nhà trọ giá rẻ nhất ven sông Tô Lịch để thuê. Ban đầu có tôi cùng hai người bạn ở cùng là Hữu Hùng và Trạc Đa. Ngoài thời gian ôn luyện học tập anh và hai người bạn mang gạo và rượu đổ cho mấy hàng quán để lấy tiền. Về sau thì chọn đi gia sư để có thu nhập ổn định.

    Đây là những tháng ngày gian nan với chúng tôi nhưng bù lại rất vui. Bạn bè lo cho nhau như anh em trong nhà. Từ trong suy nghĩ đến hành động tất tật đều trong sáng. Bữa có rau ăn rau, bữa có chào ăn cháo, dưa cà mắm muối cũng nhường cho nhau. Phải nói rằng, khi mới ra Hà Nội chúng tôi chưa ai bị "nhiễm" lối sống ồn ào đua tranh ở bên ngoài phố thị. Cũng vì thế mọi chuyện rất nề nếp và tự giác.

    Ngày qua ngày, chúng tôi cũng quen dần với lối sống mới phải tự lo liệu ở nơi thành phố. Phòng trọ của chúng tôi mỗi ngày một đông vui hơn từ các thành viên mới cũng là bạn thân ở trường cấp ba quê nhà: Văn Thủy, Thanh Tuấn, Đức Hiền, Văn Thành...Dần dần chúng tôi đã kết nối được tất cả những bạn bè cùng học cấp ba quê nhà đang đi học, đi làm ở Hà Nội lại thành một nhóm gần 20 người. Phần nửa trong số đó là các bạn nữ như: Thu Dung, Nguyễn Ánh, Nguyễn Xuyến, Nguyễn Nết, Á Phương, Nguyễn Huyền, Nguyễn Thủy, Nguyễn Chính, Hồng Vân...Thế là cả nhóm thi thoảng lại tụ họp tại khu trọ để thăm hỏi tình hình của nhau.

    lop121

    20 năm sau những thành viên của lớp bên cô Chủ nhiệm với sự trưởng thành hiện rõ trên từng gương mặt rạng ngời

    Cũng từ nhóm này, chúng tôi gắn kết với các bạn còn lại của lớp cấp ba. Thông tin về các thành viên của lớp mọi người đều nắm bắt rõ ràng, cùng nhau chia sẻ động viên nhau mỗi người làm tốt nhất công việc và hướng đi mình đã lựa chọn.

    Cứ vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cả lớp chúng tôi gần như cả lớp đều có mặt chúc mừng cô giáo chủ nhiệm cấp ba kính mến của mình ở Hà Đông: Nhà giáo Trần Thị Như Sâm. Cô giáo trở thành chỗ dựa tinh thần cho tất cả các thành viên của lớp. Ai có việc gì cũng chẳng ngại chia sẻ để xin ý kiến khuyên nhủ của cô. Đây là yếu tố làm cho tập thể lớp chúng tôi gắn bó với nhau như một gia đình.

    Với người viết bài này, cô Sâm không chỉ là một người thầy, người chị đáng kính trong gia đình mà còn là một ân nghĩa không thể nào quên. Nhớ tháng 7 năm 1999, tôi nhận được giấy báo nhập học của Trường Đại học Thái Nguyên, Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây và của Học viện Ngân hàng. Gia đình tôi rất phân vân về chuyện có cho tôi đi học tiếp hay thôi vì gia cảnh thực tế khó khăn. Cô Sâm đã vào nhà tôi gặp ông nội, mẹ tôi và bác tôi để thuyết phục tôi nhập học Học viện Ngân hàng. Khi mẹ tôi lăn tăn về mức học phí 144.000 đồng/tháng cộng với ăn, ở, đi lại cũng phải ngót 500.000 đồng/tháng. Cô không ngần ngại đề xuất ra ở nhà cô và đi dạy gia sư cùng cô đủ để trang trải. Cộng với quyết tâm hỗ trợ em trai đi học của anh trai tôi, mà tôi mới có được cơ hội học đại học, thạc sĩ, làm nghiên cứu sinh tại ngôi trường này trong suốt 10 năm...Thú thật, trong cuộc sống của tôi lúc vui, lúc buồn và thường trực trong suy nghĩ, tôi luôn tìm đến cô Chủ nhiệm để giãi bày, sẻ chia và tìm lại sự cân bằng cho mình...Không chỉ có tôi mà nhiều thành viên khác của lớp tôi cũng có chung niềm hạnh phúc đó như tôi!

    5 năm, 10 năm đầu sau khi rời trường cấp ba quê nhà, chúng tôi học ra trường đi làm và xây dựng gia đình. Cũng vì thế mà bạn bè trong nhóm và cả lớp thưa dần gặp nhau. Vòng xoáy của cuộc sống thường nhật cứ cuốn mỗi người ngày một sâu vào con đường duyên và nghiệp đã chọn. Để rồi 15 năm, 20 năm sau khi rời cấp ba cùng ngồi lại bên nhau và suy ngẫm: "Tự hào về những quãng đường đã đi qua luôn đầy ắp tình thầy nghĩa bạn"

    Bạn Ngọc Ánh, Doãn Dũng, Đắc Lập, Văn Chín...giờ đã trở thành công chức chủ chốt ở địa phương. Bạn Văn Thủy, Trạc Đa, Nguyễn My, Nguyễn Chính, Thu Huyền, Nguyễn Vân, Thị Thủy, Á Phương, Vũ Hà, Hồng Vân...giờ đã là những nhà giáo của nhiều thế hệ học sinh các cấp. Bạn Thanh Tuấn, Văn Thành, Hữu Hùng, Văn Dũng, Thu Dung...là những kỹ sư của nhiều công trình. Bạn Nguyễn Xuyến, Nguyễn Nết, Thu Hằng, Tống Liên, Trí Hùng, Đức Hiền, Nguyễn Miền, Nguyễn Ngần, Vũ Nghĩa, Đỗ Ngọc, Mạnh Thắng, Xuân Thắng, Hồng Thu, Tống Thủy, Nguyễn Thủy, Minh Trang, Đinh Tuyến, Đình Vượng, Đỗ Hà, Thu Liễu, Quang Thuần, Hoàng Chương, Anh Bình, Ngọc Lý, Thu Hường, Hồng Nhị...mỗi người đều thành đạt mỗi nghề. Bạn Đắc Đức, Danh Lượng, Văn Minh...lại chọn cho mình hướng xuất ngoại lao động...Kể làm sao hết những thăng trầm cũng như sự thành đạt của mỗi người trong hành trình 20 năm.

    Đã mấy năm, bạn Trạc Đa dạy học ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa về thăm quê, cũng từ thủa "sóng gió" mà Xuân Nguyên cũng ít xuất hiện. Nhớ dịp Tết Mậu Tuất 2018, họ ngồi lại với nhau có nhiều điều để tâm sự. Họ thoải mái "lôi" đủ những chuyện "xấu xí" nhất của thời cấp ba, thời sinh viên ra để kể cho nhau nghe trong tiếng cười và sự bộc bạch vô tư, chân tình. Dường như đứa nào cũng nhớ và thấy buồn cười về chuyện "Puppy Love" thời học sinh sinh viên. Đúng là những rung động thời tuổi mới lớn. Tất nhiên là ngây thơ trong sáng, đúng mực và đều là những ấn tượng đáng nhớ, đáng tự hào cả. 

    20 năm một quãng đường khá dài, chúng tôi mỗi người đã trải qua những cơn "sóng gió" lúc yên ả, lúc dữ dội riêng. Chúng tôi cũng đã từng bước qua những đoạn đường bằng phẳng, vui tươi nhất của mình và cũng không tránh khỏi những khúc quanh co, ngã rẽ chông gai. Đó là những trải nghiệm thực sự có giá trị mà qua đó đã giúp chúng tôi trưởng thành và tự vượt qua giới hạn của chính mình.

    Quãng thời gian rèn luyện, trải nghiệm và phấn đấu âm ỉ đó chẳng khác nào như những cây măng còn nằm im trong lòng đất mẹ chờ thời.Thời gian phía trước, tương lai không xa chỉ cần những giọt mưa xuân, những tia nắng hè, những làn gió thu nhè nhẹ, những cơ hội dù nhỏ cũng đủ làm chúng cựa mình, trỗi dậy, vươn thẳng lớn lên từng ngày. Nhưng một cây tre ngay thẳng vươn lên vượt trội cũng chẳng thể thành một lũy tre vững chãi cũng giống như "một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân".

    Mỗi cây tre nhỏ cần phải tự tìm cho mình những đồng đội và môi trường phù hợp để tạo thành sức mạnh của cả một lũy tre. Bằng lòng với tất cả những gì mình đã nỗ lực hết sức. Rồi trước sau gì mỗi người trong chúng ta cũng sẽ tìm thấy cho mình một vị trí đích thực trong bạt ngàn những lũy tre cuộc sống. Và một ngày kia chúng ta chợt nhận ra rằng sẽ chẳng có cây tre nào nổi trội cả nếu tách chúng ra khỏi những lũy tre... 

    Đến giờ chúng tôi càng thấy rõ giá trị của sự kết nối, sự đoàn kết, sẻ chia, bao dung đùm bọc mà trong những thời gian khó khăn nhất của thời niên thiếu lớp chúng tôi đã biết nhóm lại cùng nhau, bù trừ cộng hưởng để tạo ra sức mạnh, động lực vươn lên thật mạnh mẽ. Ngày Tết thống nhất năm nay, gặp bạn cũ nhớ chuyện xưa, những ký ức, những hoài niệm hòa chung cùng những ước vọng và những điều tốt đẹp trên con đường ta đi đến tương lai:

    20 năm vật đổi sao dời

    Tình thầy nghĩa bạn đời đời sáng trong.

    Nhà báo Quyết Tuấn
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/20-nam-vat-doi-sao-doi-tinh-thay-nghia-ban-doi-doi-sang-trong-a273090.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.