Bị CSGT dừng xe kiểm tra vì lỗi không đội mũ bảo hiểm, 2 thanh niên không chấp hành mà còn lăng mạ, xô ngã CSGT. Sau đó cả hai lên xe máy lao thẳng về phía tổ công tác để bỏ chạy nhưng bất thành.
Báo Vnexpress đưa tin, sáng 10/7, lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố Nguyễn Duy Khánh (26 tuổi) và Trần Trung Tuyền (23 tuổi) để làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ.
Trước đó, chiều 29/6, Khánh điều khiển xe máy chở Tuyền trên đường Phạm Văn Đồng, đều không đội mũ bảo hiểm. Đến ngã ba Phạm Văn Đồng – Hoàng Quốc Việt, cả hai bị cảnh sát dừng xe kiểm tra.
Các đối tượng chống người thi hành công vụ bị bắt giữ - Ảnh: An ninh Thủ đô |
Không chấp hành, Khánh lăng mạ và dùng tay xô ngã một cảnh sát. Cùng lúc, Tuyền lấy điện thoại ra quay video. Sau đó cả hai lên xe máy lao thẳng về phía tổ công tác để bỏ chạy nhưng bất thành.
Khi cảnh sát đang khống chế Khánh, Tuyền xông tới hành hung để giải cứu, đánh bị thương một cán bộ làm nhiệm vụ. Chiều tối cùng ngày, Tuyền ra đầu thú.
Liên quan đến hành vi chống người thi hành công vụ, trao đổi trên báo Thanh Niên, Trung tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông - Cục CSGT, cho biết tính đến tháng 7/2017, cả nước xảy ra 25 vụ chống lại lực lượng CSGT khi thi hành công vụ . Cơ quan chức năng đã bắt 20 đối tượng giao cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định, trong đó đã khởi tố 5 vụ với 8 đối tượng.
Trao đổi trên báo Thanh Niên về việc CSGT được sử dụng mọi biện pháp, phương tiện để ngăn chặn người chống đối, trung tá Tạ Thị Hồng Minh cho biết, theo quy định của Bộ Công an về quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của CSGT, khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, trường hợp người lái xe không chấp hành hiệu lệnh dừng phương tiện, bỏ chạy hoặc đâm vào người thi hành công vụ, hoặc dùng vũ lực, vũ khí, vật nguy hiểm chống lại người thi hành công vụ, thì lực lượng CSGT tùy theo loại xe và tính chất, mức độ vi phạm của người lái xe (như dùng xe để chèn, ép xe tuần tra; sử dụng các phương tiện, công cụ gây nguy hiểm đến tính mạng của cán bộ, hoặc có dấu hiệu của tội phạm...), tổ chức lực lượng ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm; được sử dụng vũ lực, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, bắt đối tượng, hoặc thông báo cho tổ tuần tra, kiểm soát liền kề, các lực lượng khác để hỗ trợ ngăn chặn. Trường hợp đối tượng đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, vũ khí gây mất an toàn cho người xung quanh, lực lượng CSGT được quyền sử dụng vũ khí, các công cụ hỗ trợ để tự vệ, vô hiệu hóa hành động của đối tượng.
Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm : a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)