(ĐSPL) - Hai “người hùng” trong vụ nhân bản xét nghiệm tại bệnh viện Đa khoa Hoài Đức là chị Hoàng Thị Nguyệt và Phạm Thị Oanh, không còn làm việc tại khoa xét nghiệm của bệnh viện này. Đó là thông tin khiến PV báo ĐS&PL rất bất ngờ.
Và lý do khiến hai “người hùng” buộc từ bỏ công việc yêu thích trước đây của mình là những áp lực tinh thần mà họ phải đối diện khi làm việc tại khoa xét nghiệm.
Uẩn khúc đằng sau những lá đơn xin chuyển việc
Đằng sau khen thưởng là gì? Đó luôn là câu hỏi được đặt ra đối với những con người dám đứng lên đấu tranh chống lại tham nhũng. Cũng chính vì điều này, PV báo ĐS&PL theo sát vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm hết mực quan tâm về số phận “nghề nghiệp” của những “người hùng” như chị Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định và Phạm Thị Oanh.
Video: Hoàng Thị Nguyệt, tấm gương chống tiêu cực.
Trong chuyến làm việc gần đây tại bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, thông tin gây bất ngờ nhất với chúng tôi đó chính là việc chị Hoàng Thị Nguyệt và Kỹ thuật viên trưởng Phạm Thị Oanh không còn làm việc tại khoa xét nghiệm nữa. Giờ đây, họ được chuyển công tác sang một lĩnh vực khác mà có lẽ trước đây họ chưa từng nghĩ tới.
Đối với chị Hoàng Thị Nguyệt, hiện nay chị được điều chuyển từ khoa xét nghiệm sang khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Công việc hàng ngày của chị Nguyệt là giúp việc cho trưởng khoa trong công tác giám sát vệ sinh buồng bệnh để tránh lây nhiễm, giám sát việc giặt là quần áo trang phục trong bệnh viện đảm bảo vệ sinh.
Chị Hoàng Thị Nguyệt tâm sự với phóng viên. |
|
Còn chị Phạm Thị Oanh nay làm tại khoa Dinh dưỡng, công việc là kiểm tra độ an toàn của thức ăn trong bếp bệnh viện và tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân...
Trao đổi với PV, PGĐ bệnh viện Hoài Đức, bác sỹ Trần Như Dũng cho rằng, công tác hiện nay của chị Nguyệt và chị Oanh là thể theo nguyện vọng đơn thư của họ. Quy trình sắp xếp và bổ nhiệm công việc tuân theo đúng nguyên tắc về sắp xếp cán bộ và phù hợp với chuyên môn của từng cá nhân.
Chúng tôi có đọc đơn thư của chị Nguyệt và chị Oanh để cố tìm đi một lý do hợp lý cho việc chuyển công tác nhưng quả thực không thể cắt nghĩa được. Trong lá đơn chị Nguyệt chỉ viết “căn cứ và điều kiện thực tế tại khoa xét nghiệm. Để thuận lợi cho tập thể và cá nhân vậy tôi làm đơn kính mong ban Giám đốc, ban Tổ chức xem xét chuyển môi trường công tác cho tôi”.
Cũng như chị Nguyệt, chị Oanh cũng chỉ viết “căn cứ và điều kiện thực tế tại khoa xét nghiệm và thể theo nguyện vọng của cá nhân...”. Những lá đơn này rất đơn giản nhưng có thể hiểu rằng môi trường làm việc ở khoa xét nghiệm trong thời điểm chị Nguyệt và chị Oanh viết đơn là có vấn đề đối với cá nhân hai “người hùng” này.
Vấn đề đặt ra, tại sao những con người từng chấp nhận đương đầu với lãnh đạo và mọi áp lực để đấu tranh nhằm làm trong sạch môi trường làm việc của chính mình nay đột nhiên từ bỏ một cách đầy khó hiểu. Còn nhớ, thời gian khi tiếp xúc với chúng tôi trong nỗ lực đưa vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm ra trước dư luận thì chị Nguyệt từng khẳng khái cho rằng: “Tôi làm việc này là muốn bảo vệ quyền lợi của người bệnh và làm trong sạch môi trường làm việc”.
Sau khi vụ việc nhân bản xét nghiệm được đưa ra xét xử, những tưởng môi trường làm việc ở đây được tổ chức lại quy củ hơn, là cơ hội để cho những con người có tâm, có chuyên môn như chị Nguyệt và chị Oanh thi triển tài năng. Nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại, chị Nguyệt và chị Oanh không có đất để “dụng võ” và đành ngậm ngùi chấp nhận viết đơn chuyển công tác mới.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những cá nhân làm việc tại khoa xét nghiệm từng bị tuyên phạt tù như Vương Thị Kim Thành (theo bản án sơ thẩm bị tuyên phạt 12 tháng tù) Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Sơn Đông (theo bản án sơ thẩm bị 6 tháng tù, cho hưởng án ''treo”); Nguyễn Thị Xuyên và Vương Thị La (bị phạt 8 tháng tù, cho hưởng án ''treo'') thì nay vẫn làm việc trong khoa xét nghiệm. Chỉ cần một phép so sánh đơn giản những con người này và trường hợp của chị Nguyệt và chị Oanh cũng thấy sự bất công đến khó hiểu mà hai “người hùng” này phải gánh chịu.
“Người hùng” ngậm ngùi tìm chốn an thân
Sau khi làm việc với ông Trần Như Dũng, Phó Giám đốc bệnh viện Hoài Đức, chúng tôi đến gặp chị Nguyệt và chị Oanh trong môi trường công tác mới. Gặp chúng tôi, chị Nguyệt rất vui. Theo chị Nguyệt, công việc mới tuy không đúng với chuyên môn của mình nhưng mọi việc ở đây thoải mái hơn.
Chị Phạm Thị Oanh kể về công việc mới. |
|
Khi được hỏi về lý do chị viết đơn đề nghị xin chuyển đổi công tác thì chị Nguyệt cho biết, vì quá áp lực và cũng vì sự ổn định của cơ quan. Bản thân chị Nguyệt không muốn làm cho mọi việc trở nên phức tạp lên nên đành tự mình rút lui.
Việc chị Nguyệt viết đơn chuyển khoa có thể là một lựa chọn “khốn cùng”. Bởi, để theo đuổi nghề xét nghiệm tại bệnh viện, chị Nguyệt đã phải dành thời gian trên 10 năm học tập, rèn luyện. Giờ chuyển sang khoa mới chẳng khác nào người đi học việc.
Ở cái tuổi gần 50, tất cả đều gần như làm lại từ đầu. Có thể hiểu được, những tháng ngày này đối với chị Nguyệt chẳng khác nào “một con thú bị tấn công tổn thương nay có hang để ẩn nấp”.
Có lẽ, những tổn thương trong con người chị đã quá lớn. Thậm chí, chị Nguyệt còn tâm sự rằng, được chuyển sang môi trường làm việc mới là may mắn cho chị rồi. Lãnh đạo tạo điều kiện như vậy là tốt với chị vì theo cách suy nghĩ của chị nhiều trường hợp đấu tranh khác ở môi trường khác mà chị biết còn bị trù úm dữ dội hơn”.
Cũng như chị Nguyệt, chị Oanh giờ đây có một công việc mới. Việc hàng ngày của chị là tư vấn dinh dưỡng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại khoa dinh dưỡng. Có khi chị lại xuống nhặt rau, thái thịt ở bếp. Nhìn chị Oanh ngồi lọt thỏm trong khu nhà bếp, nhà ăn của bệnh viện thì mới thấu hiểu được những thiệt thòi của chị - một người từng là kỹ thuật viên trưởng tại khoa xét nghiệm.
Nói về lý do xin chuyển việc, chị Oanh cho rằng, vì môi trường ở khoa xét nghiệm không còn phù hợp với bản thân chị nữa. Giờ công việc ở khoa dinh dưỡng tuy là mới nhưng ở đây chị Oanh tìm lại được sự bình thản trong con người. Chị không còn phải đối diện với những ánh mắt dò xét, xăm xoi của đồng nghiệp. Không phải nuốt nước mắt vào trong hay nổi khùng khi bị ai đó xúc phạm.
Gặp chị Nguyệt và chị Oanh, chúng tôi hiểu được với hai “người hùng” này việc tự nguyện xin một công việc mới là một cuộc “đào thoát” khỏi thế giới nghiệt ngã dành cho họ. Hai con người đã từng gan dạ, dám đứng lên đấu tranh tìm lẽ phải. Nhưng giờ đây, họ lại tự nguyện thu mình và bằng lòng với công việc mới.
Chúng tôi biết, không phải vì họ chán việc mà họ sợ cảm giác làm việc trong một môi trường đầy dị nghị. Thiết nghĩ, chị Nguyệt, chị Oanh tuy chủ động tìm niềm vui trong công việc mới nhưng thiệt thòi họ gánh chịu đáng để chúng ta suy ngẫm.
Những thiệt thòi khó đong đếm! Theo như tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, hiện tại khi chuyển sang công việc mới mức thu nhập thực tế của chị Nguyệt và chị Oanh giảm so với trước đây gần 1 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ, trong điều kiện các chị phải nuôi con ăn học. Còn những thiệt thòi về mặt tinh thần khó thể kể hết. Nhìn môi trường bệnh viện Đa khoa Hoài Đức giờ chuyển mình theo chiều hướng tốt lên, chị Nguyệt và chị Oanh tỏ vẻ vui mừng. |
TRINH PHÚC - VĂN CHƯƠNG
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/2-nguoi-hung-trong-vu-nhan-ban-xet-nghiem-gio-ra-sao-a88136.html