Liên tiếp 2 trường hợp tử vong đau lòng vì bị tôn cắt cổ gây mất máu cấp vừa xảy ra tại Hà Nội. Bác sĩ khuyến cáo nếu được sơ cứu kịp thời và đúng cách, nạn nhân có thể qua được cơn nguy kịch sau khi đến bệnh viện.
Như Dân trí đã thông tin, chiều 23/9 khi đang đạp xe trên phố, do mất tập trung, thiếu quan sát, bé trai 9 tuổi lao vào chiếc xích lô chở tôn phía trước. Cháu bị góc của tấm tôn cắt vào cổ khiến mạch máu lớn bị đứt. Nạn nhân được đưa đi đến bệnh viện cấp cứu, nhưng do không được cầm máu kịp thời nên khi đến bệnh viện cháu đã tử vong vì mất quá nhiều máu.
Hiện trường cháu bé tử vong do bị tấm tôn cắt trúng cổ khi đang đi xe đạp. |
Vụ việc đau lòng trên chưa kịp lắng xuống, thì chiều 25/9 một tai nạn tương tự lại xảy ra khi chiếc xe cải tiến kéo theo nhiều tấm tôn phía sau bị đứt dây, lao vào lề đường cắt trúng cổ bà Bùi Thị Sâm (SN:1952). Tai nạn xảy ra khiến vùng cổ của bà Sâm bị một vết cắt dài 20cm, lộ khí quản. Dù được bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng nạn nhân cũng vĩnh viễn ra đi vì thương tích nặng gây mất quá nhiều máu trước khi vào viện.
Hai vụ tai nạn trên không chỉ gióng lên hồi chuông báo động về những “hung thần” mang tên xe thô sơ, xe cải tiến chở vật liệu xây dựng cồng kềnh tham gia giao thông mà còn cho thấy hạn chế về kiến thức sơ cứu ban đầu của cộng đồng.
Theo phân tích của BS Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại Học Y Dược TPHCM, các nạn nhân bị tổn thương rất nghiêm trọng bởi hai bên cổ là hệ thống động mạch cảnh - mạch máu rất lớn nuôi vùng đầu, cổ và nhu mô não. Đây là hệ thống động mạch lớn và quan trọng của cơ thể, đồng thời cũng khó băng ép hơn so với ở tay hoặc chân.
Những vết thương mạch máu nếu được sơ cứu đúng cách, đảm bảo không mất máu quá nhiều trước khi đến bệnh viện, nạn nhân chỉ cần trải qua cuộc phẫu thuật cấp cứu (khoảng 10 phút) để nối lại mạch máu thì sẽ ít bị đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, trên thực tế kỹ năng sơ cấp cứu tại hiện trường của người dân tham gia ứng cứu còn rất hạn chế.
Đa phần những trường hợp bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt gây tổn thương mạch máu không được sơ cứu đúng cách hoặc người dân chỉ biết chuyển nạn nhân đến bệnh viện mà không biết phải sơ cứu tại hiện trường để tận dụng “thời gian vàng” cho người bị nạn.
Phân tích chuyên môn của BS Hậu chỉ ra: “Nạn nhân bị vết thương mạch máu thường có xu hướng ngất xỉu do tính chất đột ngột của tai nạn, tình trạng mất máu cấp gây choáng vì huyết áp tụt nhanh. Bên cạnh đó là những nguyên nhân tâm lý bởi sự lo lắng khi thấy mình mất nhiều máu khiến nạn nhân sợ hãi ngất xỉu. Người dân tại hiện trường theo tâm lý chung cũng rất sợ khi thấy máu nên không ai dám xông vào trợ giúp, sơ cứu nạn nhân. Mặt khác họ cũng mất bình tĩnh khi thấy máu lênh láng khiến việc sơ cứu ban đầu bị trì trệ”.
Băng ép vết thương và cố định qua vùng nách để hạn chế nguy cơ mất máu cho nạn nhân. |
Bình thường, mỗi người trưởng thành một lần hiến máu khoảng 350ml vẫn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trường hợp nạn nhân bị mất khoảng 1.000ml sẽ gây choáng và sốc mất máu, tuy nhiên nếu được cầm máu kịp thời, không để mất máu thêm và đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt thì cơ hội cứu sống người bị nạn trong tầm tay của bác sĩ.
Để hạn chế những cái chết thương tâm khi gặp những tai nạn mạch máu tương tự, BS Viết Hậu khuyến cáo cộng đồng: “Trước tiên, người sơ cứu cần nhanh chóng dùng những vật dụng hiện có như gạc, khăn tay hay miếng vải rồi cuộn lại đặt lên vết thương, băng ép lại với lực vừa đủ giúp hạn chế được tình trạng chảy máu nhưng không khiến nạn nhân khó thở. Dùng dây băng ép choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân rồi buộc lại để cố định vị trí băng ép.
Trong trường hợp vết thương nằm ở vị trí khó cố định dải băng ở vùng nách đối diện vết thương, người sơ cứu có thể dùng cánh tay, bàn tay của nạn nhân (phía đối diện vết thương) hoặc dùng thanh gỗ đặt vùng cổ đối diện để làm điểm tựa cố định băng ép với lực vừa phải để không làm ngạt nạn nhân. Sau đó, nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.
Việc sơ cứu cần thực hiện càng nhanh càng tốt để tránh mất máu cho người bị nạn. Người tham gia ứng cứu tuyệt đối không được sử dụng thuốc lào, thuốc lá các loại bột hoặc nhai lá cây... đắp lên vết thương. Cách sơ cứu trên chẳng những không mang lại hiệu quả cầm máu mà còn khiến nạn nhân đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử gây khó khăn cho việc cứu chữa. Mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất về sơ cấp cứu để bảo vệ chính mình và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi chẳng may gặp tai nạn.
Vân Sơn
Nguồn: Dân Trí
Xem thêm video:
[mecloud]rmnICKjhNO[/mecloud]