+Aa-
    Zalo

    19 mũi tiêm bảo vệ cả đời con mà các bậc cha mẹ nhất định phải biết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không phải loại bệnh nào trẻ cũng có thể miễn dịch được đặc biệt là bệnh ho gà. Do đó, cha mẹ cần ghi nhớ 19 mũi tiêm bảo vệ cả đời con và tiêm chủng đầy đủ.

    Không phải loại bệnh nào trẻ cũng có thể miễn dịch được đặc biệt là bệnh ho gà. Do đó, cha mẹ cần ghi nhớ 19 mũi tiêm bảo vệ cả đời con và tiêm chủng đầy đủ.

    Phòng bệnh luôn luôn tốt hơn chữa bệnh. Tiêm vắc-xin là đưa vào cơ thể một kháng nguyên kích thích cơ thể sản sinh ra miễn dịch để chủ động phòng tránh sự tấn công của các yếu tố gây bệnh. Trẻ em mới sinh ra có thể miễn dịch với một số loại bệnh vì nhận được kháng thể từ sữa mẹ. Tuy nhiên sự miễn dịch này rất ngắn, chỉ kéo dài từ 1 tháng tới khoảng 1 năm và không phải loại bệnh nào trẻ cũng có thể miễn dịch được đặc biệt là bệnh ho gà.

    Tiêm phòng rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ. Ảnh ST


    Lịch tiêm chủng cho trẻ theo từng độ tuổi

    Sau khi sinh:

    Trong vòng 24 giờ sau khi sinh, trẻ sơ sinh sẽ được tiêm phòng vắc-xin viêm gan siêu vi B.

    Vắc-xin viêm gan B là loại vaccine giúp cơ thể con chống lại virus viêm gan B, lây truyền qua máu và dịch tiết cơ thể. Sau khi tiêm, con có thể bị đau ở vết tiêm hoặc sốt nhẹ. Nếu có những biểu hiện bất thường khác, mẹ nên đưa con tới bệnh viện sớm. Loại vaccine này cần được tiêm cho trẻ ngay sau khi sinh 24h. Khi trẻ được 1 đến 2 tháng tuổi, mẹ cần cho con tiêm nhắc lại một liều tương tự, và thêm một phần ba liều khi trẻ 6 đến 18 tháng tuổi.

    Dưới 1 tháng tuổi:

    Tiêm phòng BCG, ngừa bệnh lao phổi.

    BCG là vắc-xin phòng bệnh lao và cần được tiêm càng sớm càng tốt sau khi trẻ được sinh ra.

    2- 6 tháng tuổi:

    Bại liệt mũi 1,2,3

    Tiêm phòng Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván

    Viêm gan siêu vi B mũi 2,3,4

    Tiêm phòng Hib (Haemophilus cúm B) mũi 1,2,3

    Bệnh bạch hầu do một loại vi khuẩn gây nên, khiến cổ họng trẻ biến thành màu xám, đen. Bệnh uốn ván có thể gây co thắt cơ bắp mạnh, khiến xương của bé có thể bị phá vỡ. Còn ho gà là một căn bệnh rất dễ lây lan và không thể kiểm soát được cơn ho. Haemophilus cúm B là loại vi khuẩn gây viêm màng não ở trẻ. Nếu viêm bao quanh não và tủy sống sẽ đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em dưới 5 tuổi.

    Vắc-xin Quinvaxem (vắc xin 5 trong 1): phòng được 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Vắc xin Quinvaxem được tiêm 3 mũi gồm:

    + Mũi tiêm thứ 1: khi trẻ đủ 2 tháng tuổi

    + Mũi tiêm thứ 2: khi trẻ đủ 3 tháng tuổi

    + Mũi tiêm thứ 3: khi trẻ đủ 4 tháng tuổi

    Vắc-xin Virus Rota (RV): ngăn ngừa virut gây bệnh tiêu chảy

    RV là một loại virus gây ra bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ. Do đó, mẹ nên cho con dùng thuốc phòng virus Rota khi con được 2 tháng và 4 tháng tuổi. Loại thuốc này được sản xuất ở dạng lỏng dùng để uống. Khi cho con uống thuốc phòng virus Rota, trẻ có thể bị tiêu chảy nhẹ hoặc nôn mửa.

    6-11 tháng tuổi:

    Tiêm phòng cúm

    Các bà mẹ được khuyến nghị, nên tiêm loại vắc-xin này cho con ở độ tuổi từ 6 tháng tuổi trở lên. Khi tiêm, trẻ có thể gặp một vài tác dụng phụ như đau nhức, tấy đỏ, sưng tại vết tiêm hoặc sốt nhẹ.

    12-15 tháng tuổi:

    Viêm não Nhật Bản B

    Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính, xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ em ở lứa tuổi từ 2 đến 6. Tiêm chủng viêm não Nhật Bản với ba liều cơ bản: mũi đầu tiên lúc trẻ được một tuổi; mũi thứ hai tiêm sau mũi thứ nhất từ một-hai tuần; mũi thứ ba tiêm sau mũi thứ hai một năm. Sau đó cứ ba-bốn năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi

    Thủy đậu

    Trẻ cần được tiêm phòng thủy đậu ở độ tuổi 12 đến 15 tháng, và nhắc lại khi được 4 đến 6 tuổi. Đây là một căn bệnh gây phát ban do virus thủy đậu gây ra. Bệnh lây lan rất nhanh, dẫn đến nhiễm trùng và nhiều biến chứng nguy hiểm khác cho sức khỏe.

    Sởi, quai bị, Rubella (MMR)

    Loại vắc-xin MMR sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi 3 loại virus: sởi (gây sốt cao, phát ban toàn cơ thể trẻ); quai bị (gây đau mặt, sưng tuyến nước bọt, và đôi khi bìu sưng ở bé trai); và rubella hay bệnh sởi Đức (mà có thể gây dị tật bẩm sinh nếu có nhiễm trùng xảy ra trong thai kỳ).

    Vaccine MMR cần được tiêm khi trẻ được 12 đến 15 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ được 4 đến 6 tuổi.

    Viêm gan A mũi 1

    Virus viêm gan A có thể xâm nhập vào trẻ từ đồ ăn hay thức uống bị ô nhiễm. Bệnh sẽ gây tổn hại gan với những triệu chứng như sốt, mệt mỏi, vàng da, chán ăn. Vì thế khi con được 12 đến 23 tháng tuổi, mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng viêm gan A. Mũi tiêm nhắc lại cách mũi đầu ít nhất 6 tháng.

    16-23 tháng tuổi:

    Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt mũi 4

    Hib mũi 4

    Viêm gan B mũi 4

    Viêm gan A mũi 2

    Trên 24 tháng tuổi:

    Phòng Viêm màng não mô cầu A+C

    Viêm não Nhật Bản mũi 3

    Phòng bệnh viêm mũi họng, viêm màng não do vi khuẩn phế cầu

    Tiêm phòng thương hàn

    Thương hàn là một bệnh nhiễm trùng toàn thân, cấp tính, do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Tên gọi chung là vắc-xin thương hàn tiêm với tên thương mại là Typhim Vi, có thời gian bảo vệ ít nhất là 3 năm. Vắc-xin được dùng để phòng bệnh thương hàn cho người lớn và trẻ em trên 5 tuổi.

    Trên 9 tuổi:

    Chủng ngừa HPV: ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và bệnh sùi mào gà ở bộ phận sinh dục.

    Để bảo vệ trẻ em nữ khỏi hai loại virus lây truyền qua đường tình dục, gây ung thư cổ tử cung, bạn cần cho con tiêm vắc-xin HPV (Human papillomavirus). Đây là loại vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung, được khuyến khích tiêm cho các em gái ở độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi. Loại vắc-xin này cần được tiêm 3 liều trong thời gian 6 tháng.

    Hãy tiêm phòng đầy đủ để con được khỏe mạnh các mẹ nhé! (Ảnh ST)


    Bác sĩ Vân Anh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đưa lời khuyên đối với các bậc phụ huynh khi cho con đi tiêm chủng: Cần theo dõi và tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, không để trẻ bị trì hoãn vì như vậy làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản…

    Khi đưa trẻ đi tiêm chủng,cha mẹ lưu ý giữ ấm đúng cách bởi trẻ nhỏ rất dễ bị viêm đường hô hấp, dẫn đến viêm phế quản phổi. Đây là bệnh rất nguy hiểm có thể biến chứng nặng và gây tử vong.

    - Sau khi tiêm, cha mẹ ngồi lại theo dõi 15-30 phút, xem có dị ứng với thuốc không.

    - Theo dõi khi trẻ về nhà: xem trẻ có sốt không, biểu hiện bên ngoài da, cử chỉ, quấy khóc, bú mẹ có bình thường không, đi ngoài thế nào. Đặc biệt là với những trẻ tiêm lần đầu khi ở 2 tháng tuổi, tiêm mũi đầu tiên và tiêm vắc-xin 5 trong 1.

    Cha mẹ nên chườm mát nơi tiêm (không chườm nóng), cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, mặc đồ thoáng. Trẻ sốt nhẹ sốt 37-38 độ thì có thể dùng các biện pháp làm mát, hạ nhiệt, thuốc hạ sốt đặt hậu môn. Nếu sốt trên 38 độ thì dùng thuốc hạ sốt, tác dụng nhanh hơn.

    - Một số biểu hiện nặng sau tiêm chủng: sốt cao trên 39 độ C, co giật, chân tay lạnh, tím tái, khó thở, quấy khóc, không đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường, bỏ bú, sưng to, đỏ quanh chỗ tiêm... Khi đó, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/19-mui-tiem-bao-ve-ca-doi-con-ma-cac-bac-cha-me-nhat-dinh-phai-biet-a206756.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan