Reuters dẫn thông tin từ Bộ Y tế Uzbekistan cho biết, ít nhất 18 trẻ em tại quốc gia này đã tử vong sau khi uống một loại thuốc dạng siro do nhà sản xuất dược phẩm Marion Biotech của Ấn Độ sản xuất.
Theo đó, 18 trong số 21 trẻ em sử dụng siro Doc-1 Max khi mắc bệnh hô hấp cấp tính đã tử vong. Loại thuốc siro này được bán trên trang web của công ty Marion Biotech với công dụng điều trị các triệu chứng cảm lạnh và cúm.
Lô thuốc siro trên có chứa ethylene glycol, được Bộ Y tế Uzbekistan cho rằng là một chất độc hại. Trong tuyên bố của Bộ này đưa ra hôm 27/12 (giờ địa phương), siro đã được nhập khẩu vào Uzbekistan bởi Quramax Medical. Siro được sử dụng tại nhà cho trẻ em mà không có đơn của bác sĩ, phụ huynh của các bệnh nhi đã tự cho con uống hoặc theo lời khuyên của dược sĩ, với liều lượng vượt quá tiêu chuẩn cho trẻ em.
Hiện cơ quan chức năng Uzbekistan chưa xác định rõ liệu tất cả hoặc bất kỳ trẻ em nào đã tiêu thụ lô siro chứa ethylene glycol hoặc đã sử dụng nhiều hơn liều lượng tiêu chuẩn hay cả hai.
Marion Biotech, Quramax Medical và Bộ Y tế Ấn Độ hiện chưa lên tiếng về sự việc. Một nguồn tin chính phủ Ấn Độ tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Bộ Y tế Ấn Độ đang xem xét vấn đề.
Ngày 27/12, Ấn Độ đã tiến hành thanh tra một số nhà máy sản xuất thuốc trên cả nước để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao.
Vụ việc ở Uzbekistan diễn ra sau một sự việc tương tự ở Gambia, khi ít nhất 70 trẻ em tử vong sau khi sử dụng siro ho và cảm lạnh do Maiden Pharmaceuticals có trụ sở tại New Delhi sản xuất. Cả chính phủ Ấn Độ và công ty dược phẩm đều phủ nhận lỗi do thuốc.
Ấn Độ được mệnh danh là “nhà thuốc của thế giới” và xuất khẩu dược phẩm của nước này đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua, lên 24,5 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.
Bộ Y tế Uzbekistan cho biết họ đã sa thải 7 nhân viên vì sơ suất không phân tích kịp thời các trường hợp tử vong và không thực hiện các biện pháp cần thiết. Cơ quan này cũng đã tiến hành kỷ luật một số “chuyên gia”, mà không nêu rõ vai trò của những người này.
Cơ quan này hiện đang thu hồi thuốc viên và siro Doc-1 Max ở tất cả các hiệu thuốc ở Uzbekistan.
Bích Thảo(Theo Reuters)