Cách thức quản lý của 15 quốc gia đã hợp pháp hóa mại dâm với ngành công nghiệp nhạy cảm này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Bất chấp mọi định kiến, luật cấm hay nguy cơ tiềm ẩn, mại dâm đã và sẽ tiếp tục tồn tại với những lý do khách quan như nhu cầu tự nhiên, lợi ích kinh tế hay các hoàn cảnh phức tạp. Hầu hết các quốc gia đều phải ngầm thỏa hiệp bằng các bộ luật cấm lỏng lẻo trong khi một số nước khác đang cố gắng điều chỉnh và quản lý ngành công nghiệp nhạy cảm này nhằm giảm thiểu tối đa các vấn đề về sức khỏe, đời sống cũng như tăng thêm phúc lợi xã hội. Dưới đây là 15 quốc gia đã chính thức hợp pháp hóa mại dâm như một nghề nghiệp.
New Zealand
Mại dâm được hợp pháp hóa trên quần đảo Kiwi từ năm 2003. Các nhà chứa tại đây thậm chí có đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy đảm bảo an toàn sức khỏe và quỹ bảo hiểm lương hưu cho các cô gái. Điều này đồng nghĩa với việc họ cũng bình đẳng như bất cứ nghề nghiệp nào khác trong xã hội.
Bangladesh
Một nhà chứa mở cửa công khai tại Bangladesh - Ảnh: Getty |
Ngoại trừ mại dâm nam, mọi thứ khác đều được công nhận hợp pháp tại quốc gia này. Tuy nhiên, hệ thống quản lý lỏng lẻo đã khiến quốc gia này trở thành điểm nóng của nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em. Một số quan chức chính phủ cũng sở hữu nhà chứa như một tài sản hợp pháp.
Australia
Tại Australia, một số bang đã hợp pháp hóa mại dâm nhưng vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi và các quan điểm trái chiều giữa các nhà lập pháp. Tuy nhiên, nguồn thu du lịch tại các bang đã thực hiện dự luật luôn cao hơn trong khi hiện tượng mại dâm của các bang còn lại không có thay đối đáng kể.
Áo và Thụy Sĩ
Để đảm bảo việc hợp pháp hóa mại dâm không kéo theo nhiều nguy cơ cho xã hội, chính quyền Áo và Thụy Sĩ có quy định rất chặt chẽ cho các cô gái muốn hành nghề. 3 vòng kiểm tra sức khỏe, tuổi từ 19 trở lên, cam kết đóng thuế đầy đủ… là những tiêu chuẩn rất khó đáp ứng. Bởi vậy, dịch vụ mại dâm “lậu” tại đây vẫn tồn tại.
Bỉ
Chính quyền Bỉ đã cố gắng loại bỏ sự kỳ thị, các nguy cư và nỗi sợ hãi liên quan đến mại dâm bằng cách hợp pháp hóa và trang trí các nhà chứa theo nhiều phong cách nghệ thuật. Ngoài ra, các cô gái tại đây cũng quét vân tay hoặc dập thẻ để đăng ký giờ làm việc như nhân viên văn phòng.
Một nhà chứa có biển hiệu rất đẹp mắt tại Bỉ - Ảnh: Getty |
Brazil
Một điều khá thú vị tại đây là bạn có thể công khai tìm một cô gái mại dâm nhưng sẽ gặp rắc rối to với cảnh sát nếu để lộ nội y hay có hành động phản cảm nơi công cộng.
Canada
Mại dâm là ngành giải trí hợp pháp nhưng từ năm 2014, việc mua dâm đã bị coi là bất hợp pháp tại Canada. Chính phủ nước này đang nỗ lực thay đổi quan điểm của xã hội về gái mại dâm như nạn nhân của người mua thay vì kẻ dụ dỗ.
Colombia
Hành nghề mại dâm tại đây được coi như một giao dịch dân sự thông thường nhưng bất cứ hoạt động dẫn mối hay nhận tiền hoa hồng môi giới nào sẽ bị bắt giữ với tội danh lừa đảo.
Đan Mạch
Một gái mại dâm Đan Mạch đang trao đổi với khách - Ảnh: ABC |
Không chỉ hợp pháp hóa, chính quyền tại đây thậm chí còn quy định các mức giá khác biệt dành cho những cô gái khuyết tật hay có hoàn cảnh khó khăn.
Ecuador
Mọi dịch vụ liên quan tới tình dục như mở nhà chứa, bán thân thể hay môi giới đều hợp pháp tại Ecuador. Tuy nhiên, hành vi hiếp dâm một cô gái mại dâm sẽ đối mặt với án tù và mức tiền phạt khá cao.
Pháp
Chính quyền Pháp mong muốn biến mại dâm thành một loại giao dịch dân sự cá nhân thay vì ngành nghề. Vì vậy, trừ các cô gái hành nghề, các hoạt động môi giới hay kinh doanh nhà chứa đều bị cấm.
Đức và Hi Lạp
Một phố đèn đỏ đông người tại Đức - Ảnh: Getty |
Các đối tượng hành nghề mại dâm tại hai quốc gia Đức và Hi Lạp sở hữu quỹ phúc lợi xã hội, chế độ bảo vệ sức khỏe, quyền lợi và lương hưu tương tự như mọi ngành nghề khác. Đây là động thái nhằm xóa bỏ các định kiến về nghề nghiệp nhạy cảm này.
Hà Lan
Những khu phố đèn đỏ với các màn múa khiêu dâm công khai trong các nhà chứa đã trở thành một trong các điểm hấp dẫn khách du lịch tới Hà Lan. Những biển quảng cáo và các chiến dịch quảng cáo dịch vụ mại dâm cũng không còn xa lạ với người dân bản địa.
Thu Phương(Theo Ranker)