(ĐSPL)- Hiện tại đã có thêm 14 sinh viên tốt nghiệp trường năng lượng tại Nga, và một em học chuyên ngành điện hạt nhật tại Pháp về làm việc tại dự án.
Tin tức từ Vnexpress, từ ngày 5 đến 7/8 tại Đà Nẵng diễn ra hội nghị khoa học về công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 11, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam phối hợp tổ chức. Tham gia hội nghị có hơn 300 đại biểu là các giáo sư, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử và triển khai các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, hội nghị tập trung vào các lĩnh vực điện hạt nhân và đào tạo nguồn nhân lực về thiết kế điện hạt nhân, vật lý lò hạt nhân, an toàn hạt nhân...
Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt nam. |
Ông Phan Minh Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cho biết việc đào tạo nguồn nhân lực đang được đơn vị tích cực triển khai, trên cơ sở Dự án đào tạo nguồn nhân lực đã được Thủ tướng phê duyệt.
"Hiện tại đã có thêm 14 sinh viên tốt nghiệp trường Năng lượng Mátxcơva Liên bang Nga, và một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành điện hạt nhân tại Pháp về làm việc tại dự án", ông Tuấn nói và cho biết nhóm 15 cán bộ nòng cốt đợt 1 cho nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận 2 đã hoàn thành khóa học 2 năm tại Nhật Bản.
Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua tháng 11/2009, dự án gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW. Công nghệ chính là lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò từ thứ ba trở lên, đã được kiểm chứng, đảm bảo tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua tháng 11/2009, gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW. Tổng mức đầu tư của dự án tại thời điểm lập báo cáo cuối năm 2008 vào khoảng 200.000 tỷ đồng.
Đến nay, dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 & 2 đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi và Hồ sơ phê duyệt địa điểm để lấy ý kiến các bộ, ngành và Hội đồng Thẩm định Nhà nước. Việc xây dựng nhà máy Ninh Thuận 1 dự kiến phải lùi lại từ 2 đến 3 năm, so với kế hoạch ban đầu là khởi công trong năm 2014.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho rằng, thông thường việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên mất 10-15 năm kể từ giai đoạn lên kế hoạch. Tuy nhiên, thời gian không phải vấn đề chính, mà Việt Nam cần làm thế nào để chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng. "Việt Nam không nên quá vội vàng, gấp gáp, vì đây là dự án lớn với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân", ông Yukiya Amano nói. Việt Nam có kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận, với sự giúp đỡ của Nga. Còn nhà máy thứ hai sẽ do Nhật Bản xây dựng. Trong đó theo dự kiến ban đầu, Ninh Thuận 1 xây dựng năm 2014 và bắt đầu hoạt động năm 2020. |
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]il6kASvb4E[/mecloud]