+Aa-
    Zalo

    14 người gặp nạn trên biển Kiên Giang: Ca nô chở khách đã bị cấm hoạt động

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chiếc ca nô do ông Cao Văn Bảo chở 14 người từ đảo Nam Du vào đất liền bị sóng đánh lật úp giữa biển đã bị tạm dừng hoạt động.

    Chiếc ca nô do ông Cao Văn Bảo chở 14 người từ đảo Nam Du vào đất liền bị sóng đánh lật úp giữa biển đã bị cơ quan chức năng tạm dừng hoạt động.

    Liên quan đến vụ chiếc ca nô chở 14 người chìm giữa biển Kiên Giang báo Tri thức trực tuyến đưa tinông Phạm Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã An Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) cho biết, sáng ngày 9/2, đơn vị đã tiếp nhận toàn bộ đoàn khách du lịch bị nạn được các tàu đánh cá đưa đến vào đêm 8/2. Đoàn này gồm 12 du khách, 1 hướng dẫn viên và tài công Cao Văn Bảo.

    Theo ông Việt, đoàn khách du lịch trên 10 người đi tàu cao tốc loại chở trên 200 người ra quần đảo Nam Du chơi. Chiều 8/2, có một cô gái thuê xe chạy quanh Hòn Lớn và bị va quẹt với phương tiện khác nên gãy xương ngón tay.

    "Cô gái bị nạn lo sợ nên cả đoàn không chờ sáng hôm sau đi tàu cao tốc loại lớn về đất liền mà thuê ca nô loại nhỏ để vượt biển trong đêm. Phương tiện này đã bị cấm hoạt động vì không đủ điều kiện chở khách. Ông Cao Văn Bảo là người ở đất liền, đang làm việc với biên phòng để làm rõ vụ việc", ông Việt nói.

    Bến tàu xã An Sơn, nơi tiếp nhận đoàn khách du lịch bị nạn vào tối 8/2. Ảnh: Thư viện Kiên Giang.

    Như báo VnExpress đã thông tin trước đó, sáng 8/2, 12 du khách đi tàu từ TP Rạch Giá ra quần đảo Nam Du vui chơi. Trong khi thuê xe máy dạo quanh đảo, nữ du khách trong đoàn không may, gặp chấn thương.

    Chiều tối cùng ngày, nhóm khách thuê một canô để đưa người gặp nạn vào đất liền. Trên canô còn có người cầm lái và nhân viên phục vụ.

    Khi đi được khoảng 10 km (còn cách TP Rạch Giá khoảng 55 km), canô bất ngờ bị sóng lớn đánh lật úp. "Tất cả 14 người đều mặc áo phao trôi dạt trên biển, sau đó được hai tàu cá đi ngang cứu và đang trên đường vào đất liền", đại tá Đặng Văn Thống - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang - cho biết.

    Quyết định 06/2014/QĐ-TTg phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển vùng nước cảng biển

    Điều 11. Trách nhiệm phát và tiếp nhận tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp

    1. Người, phương tiện bị nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển

    Người, phương tiện bị nạn hoặc có nguy cơ bị nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển cần trợ giúp, trừ trường hợp bất khả kháng phải phát thông tin cấp cứu - khẩn cấp theo quy định sau:

    a) Thông báo cho Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc hệ thống đài trực canh của Bộ đội Biên phòng hoặc Hệ thống quan sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, hoặc các phương tiện đang hoạt động trên biển gần khu vực bị nạn biết để yêu cầu trợ giúp;

    b) Trong trường hợp đề nghị lai dắt, cứu hộ, ngoài nội dung nêu tại Khoản 2 Điều 10 Quy chế này, cần thông báo thêm các thông số kỹ thuật của phương tiện cần lai dắt, cứu hộ để xác định phương án lai dắt, cứu hộ như: Trọng tải, chiều dài, chiều rộng, mớn nước của phương tiện;

    c) Bảo đảm việc duy trì liên lạc với người, cơ quan, tổ chức đã liên lạc để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn, trợ giúp (thông qua Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc trực tiếp);

    d) Báo cáo kịp thời theo nội dung yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn trên biển và của lực lượng, phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn;

    đ) Trường hợp đã loại trừ được nguy hiểm gây ra đối với người, phương tiện của mình phải thông báo ngay cho người, cơ quan, tổ chức đã thông tin cấp cứu - khẩn cấp để dừng việc cứu nạn.

    2. Thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển

    a) Trường hợp phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp gần khu vực đang hoạt động, phải có trách nhiệm đến cứu giúp người gặp nạn nếu không ảnh hưởng đến an toàn người, phương tiện của mình;

    b) Thông báo cho Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình;

    c) Trường hợp không thể tham gia cứu người gặp nạn (do mất an toàn về người, phương tiện của mình hoặc đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp khác) phải thông báo cho Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực biết.

    3. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin người, phương tiện bị nạn phải thông báo kịp thời cho các cơ quan, lực lượng có trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn biết để xử lý. Người cung cấp thông tin báo nạn phải chịu trách nhiệm về độ trung thực của thông tin báo nạn.

    4. Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam và các hệ thống Đài thông tin tìm kiếm, cứu nạn của các Bộ, ngành, địa phương tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin cấp cứu - khẩn cấp trên biển và báo cáo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về tìm kiếm, cứu nạn.

    5. Các cơ quan được giao nhiệm vụ về tìm kiếm, cứu nạn tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin; chuẩn bị phương án và tiến hành tìm kiếm, cứu nạn.

    Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/14-nguoi-gap-nan-tren-bien-kien-giang-ca-no-cho-khach-da-bi-cam-hoat-dong-a180349.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan