Dẫn độ là một trong những hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, việc dẫn độ này đang vấp phải nhiều bất cập trong quy định. Bộ Công an cho biết hiện 1.200 nghi phạm bỏ trốn ra nước ngoài và có xu hướng gia tăng song lại vướng nhiều quy định để giải quyết…
Lực lượng chức năng của Việt Nam bàn giao gần 400 đối tượng trong đường dây đánh bạc công nghệ cao ở Hải Phòng. Ảnh: VOV |
Gia tăng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài
Dự thảo Báo cáo tổng kết, tác động của chính sách, thủ tục thi hành pháp luật về dẫn độ (bộ Công an) đang trưng cầu lấy ý kiến đóng góp. Dự thảo cho rằng, hoạt động dẫn độ ở Việt Nam nêu tại luật.
Tương trợ tư pháp năm 2007 đang bộc lộ nhiều bất cập, không khả thi và có xung đột với quy định của Điều ước quốc tế, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế... Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 cũng không có quy định về biện pháp “bắt khẩn cấp” trước khi nước yêu cầu đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức.
Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế và trong nhiều điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết lại có quy định này. Được biết, tính đến tháng 5/2019, trong 1.200 người Việt phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài có 235 người bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều nghi phạm gây án tại Việt Nam đã bỏ trốn sang châu Âu nhằm lợi dụng quy định bắt buộc của pháp luật các quốc gia này về việc nước yêu cầu dẫn độ phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình với người bị yêu cầu dẫn độ, hoặc những người phạm tội hình sự thông thường nhưng đã sử dụng thủ đoạn gian dối để xin cấp quy chế tị nạn tại nước ngoài...
Dự báo số lượng tội phạm từ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài, tội phạm từ nước ngoài lẩn trốn vào Việt Nam, người nước ngoài bị kết án tại Việt Nam và người Việt Nam bị kết án phạt tù ở nước ngoài có xu hướng gia tăng. Vì vậy, bộ Công an đề xuất Quốc hội sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ.
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội) cho biết: “Mảng dẫn độ trong luật Tương trợ Tư pháp chưa được quy định một cách chi tiết, cụ thể, rõ ràng. Cho nên, thiếu quy định của luật để thực hiện việc dẫn độ. Cơ bản, tương trợ tư pháp là tương trợ trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự nên luật Tương trợ Tư pháp là cơ sở để ký kết với các nước về hiệp định dẫn độ, hiệp định Tương trợ Tư pháp”.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ phân tích: “Trong thực tế vừa qua cũng có một số trường hợp khó thực hiện việc dẫn độ, cho nên bây giờ cần quy định chi tiết dẫn độ thành một luật là cần thiết. Sẽ hình thành một văn bản quy phạm pháp luật, đừng đánh giá dẫn độ là một bộ phận của tương trợ tư pháp, nó có thể là một bộ phận nho nhỏ, còn tương trợ tư pháp là câu chuyện tương đối toàn diện. Rõ ràng, trong chùm văn bản quy phạm pháp luật về tương trợ tư pháp có luật Tương trợ Tư pháp là của Việt Nam nhưng không phải luật này mang ra áp dụng được toàn bộ, Việt Nam chỉ quy định được ở trong nước, còn phía nước ngoài có giúp ta trong tương trợ tư pháp hay không thì còn thông qua hiệp định song phương giữa Việt Nam và nước nào đó. Nên, việc sửa đổi Luật này, cũng như nghiên cứu ban hành luật Dẫn độ là việc cần thiết”.
Cũng trao đổi với PV, luật sư Nghiêm Quang Vinh (Giám đốc công ty Luật TNHH Nghiêm Quang, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu: “Trên thực tiễn ở quốc tế và hiện nay Việt Nam đã tham gia Interpol. Giữa các nước có các hiệp định về Tương trợ tư pháp, khi đã ký hiệp định này rồi thì những người vi phạm pháp luật ở nước có tương trợ tư pháp sẽ có thể trả về nước kia để nước bạn xử lý, điều này thể hiện quan hệ quốc tế là bình thường.
Tại Việt Nam hiện nay trong tương trợ tư pháp đã có quy định, nhưng để toàn diện hơn thì phải luật hoá lên, nâng cấp thành luật Dẫn độ để có đặc thù riêng. Việc luật hoá dẫn độ để mọi người thấy rằng tất cả xử lý đều theo pháp luật là điều nên làm”.
Luật sư Nghiêm Quang Vinh cho rằng, trong tất cả các luật, càng cụ thể hoá bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Theo vị luật sư, khi luật Dẫn độ được ban hành, thì sẽ có trình tự cụ thể ai làm gì, ai ký, ai giao tội phạm. Như thế, để không ai có ý kiến bên ngoài vì đã được pháp luật hoá.
Giăng “thiên la địa võng”
Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, một cán bộ của Interpol Việt Nam (bộ Công an) cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 19 điều ước quốc tế đa phương có điều khoản về dẫn độ, ký kết với các nước 11 hiệp định tương trợ tư pháp chung có điều khoản về dẫn độ và chuyển giao, 13 hiệp định chuyên biệt về dẫn độ.
Xuất phát từ tình hình thực tế trong thời gian qua, vị này chia sẻ: “Hiện nay, công tác dẫn độ đang gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, thứ nhất, ví dụ như theo quy định tại Điều 502 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 các biện pháp ngăn chặn để đảm bảo cho việc xem xét yêu cầu dẫn độ (bắt, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để đảm bảo, tạm hoãn xuất cảnh) chỉ được áp dụng sau khi tòa án có quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc quyết định dẫn độ đối với người đó đã có hiệu lực pháp luật. Và, phải có căn cứ để cho rằng, người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn hoặc gây khó khăn, cản trở việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ.
Tuy nhiên, các quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn dể dẫn độ nêu tại khoản 3, Điều 502 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã “bỏ sót” một khoảng thời gian mà trong đó, hồ sơ yêu cầu dẫn độ được chuyển từ cơ quan trung ương của nước ngoài đến cơ quan trung ương của Việt Nam, rồi cơ quan trung ương của Việt Nam thực hiện việc kiểm tra hồ sơ, yêu cầu bổ sung hồ sơ, sau đó mới chuyển đến tòa án có thẩm quyền; thời gian này có thể ngắn nhất là khoảng 20 ngày và dài nhất có thể lên tới cả năm.
Bởi vậy, trong khoảng thời gian đó, người bị yêu cầu dẫn độ có thể bỏ trốn hoặc đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam một cách hợp pháp nếu không được áp dụng biện pháp ngăn chặn”.
Vị cán bộ thuộc lực lượng Interpol Việt Nam phân tích thêm, mặc dù đã có các thỏa thuận hợp tác phòng, chống tội phạm, các hiệp định về tương trợ tư pháp và dẫn độ được ký kết giữa Việt Nam với một số nước nhưng việc tiến hành các thủ tục bắt, tạm giữ, tạm giam và bàn giao các đối tượng truy nã cho các nước thường tốn nhiều thời gian, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Cho đến nay, cơ quan chức năng của Việt Nam chủ yếu yêu cầu cũng như thực hiện các yêu cầu về bắt giữ, chuyển giao các đối tượng truy nã qua kênh hợp tác song phương trên cơ sở nguyên tắc “có đi có lại” và kênh hợp tác Interpol”.
Qua đó có thể thấy, sự cần thiết xây dựng, ban hành luật Dẫn độ, nó được ví như tấm lá chắn thép bảo vệ công lý và lẽ phải. Qua đó, cơ quan chức năng sẽ có cơ sở giăng “thiên la địa võng” không cho bất cứ tên tội phạm sừng sỏ nào lọt lưới.
Nguyễn Hường- Hoàng Bích
Bài đăng trên báo Đời sống& Pháp luật Chủ Nhật số 32