Chiều 14/1, báo Người lao động dẫn lời TS-BS Võ Hồng Minh Công, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết các bác sĩ tại bệnh viện vừa điều trị thành công một trường hợp xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, kết hợp dị dạng động - tĩnh mạch ruột và chuyển dạng xoang hang.
Bệnh nhân được xác định là Q.P.T (38 tuổi, ngụ Cà Mau).
Ca mổ kéo dài gần 12 giờ. Anh T. là trường hợp hiếm gặp, y văn thế giới mới chỉ ghi nhận 1 ca. Theo đó, anh T. đã từng điều trị tắc tĩnh mạch cửa do huyết khối vào năm 2021 và ngừng điều trị sau khi ổn định.
Tuy nhiên, sáng 14/12/2024, anh T. đột ngột đau bụng dữ dội, tiểu ra máu và huyết áp tụt, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ xác định nguyên nhân chảy máu là do dị dạng mạch máu lan tỏa, gây giãn các nhánh tĩnh mạch mạc treo ruột.
Sau khi tiêm thuốc giảm áp lực tĩnh mạch cửa và kết hợp với nội soi đường tiêu hoá dưới cầm máu tại chỗ, huyết áp của anh T. dần ổn định. Tuy nhiên, tình trạng chảy máu lại tái phát trong vòng chưa đến 48 giờ sau, huyết áp của anh lại tụt dù đã được truyền máu để ổn định hemoglobin và điều chỉnh các rối loạn đông máu.
Trong tình huống đó, các chuyên gia từ các khoa Nội Tiêu hoá, Ngoại Tiêu hoá, Ngoại Lồng ngực, Mạch máu, Can thiệp Nội mạch, Hồi sức Tim mạch, Hồi sức Cấp cứu và Gây mê Hồi sức đã cùng hội chẩn để đưa ra chiến lược xử trí toàn diện và tối ưu hơn cho bệnh nhân, với mục tiêu vừa kiểm soát triệt để nguyên nhân gây chảy máu, vừa có kế hoạch điều trị thuốc chống đông máu sớm chu phẫu để ngăn ngừa chảy máu tái phát do tăng áp lực tĩnh mạch cửa liên quan huyết khối.
Ngay sau khi nhận định đây là một trường hợp bệnh rất hiếm gặp, y văn thế giới mới chỉ ghi nhận 1 ca, bệnh viện đã thông qua hội đồng chuyên môn và quyết định phẫu thuật phối hợp toàn diện giữa các chuyên gia phẫu thuật và can thiệp nội mạch. Cuộc phẫu thuật mở bụng kết hợp với can thiệp nội mạch được tiến hành liên tục với 4 kíp mổ kéo dài từ 8h sáng đến 20h trong cùng ngày.
Liên quan đến sự việc, báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời BS-CK2 Vũ Ngọc Sơn Trưởng ê-kíp phẫu thuật tiêu hóa, nhận định đây là ca bệnh hiếm lần đầu tiên bác sĩ điều trị trong hơn 30 năm làm ngành y.
Bác sĩ phẫu thuật tiêu hóa cắt bỏ gần 3 mét ruột non của bệnh nhân chứa dị dạng mạch máu để đảm bảo kiểm soát chắc chắn tình trạng chảy máu tái phát sau mổ và nối ghép phần còn lại để phục hồi lưu thông ruột.
ThS.BS Trần Kim Hoa, khoa Hồi sức tim mạch, cho biết quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và thận trọng. Dinh dưỡng người bệnh sau mổ cắt đoạn ruột non khá dài như bệnh nhân T cũng phải được tính toán rất chi tiết bởi chuyên gia dinh dưỡng. Đặc biệt, vật lý trị liệu phục hồi chức năng sớm sau mổ cũng đã được tối ưu áp dụng cho bệnh nhân.
Hai tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân ăn uống được, phục hồi chức năng tiêu hóa gần như bình thường, không còn chảy máu tiêu hóa và đã được điều trị thuốc chống đông máu ổn định.
“Thành công ngoài mong đợi này là nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, kế hoạch chuẩn bị toàn diện trước mổ và chiến lược chăm sóc đa mô thức sau mổ", báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời bác sĩ Hoa nói.