(ĐSPL) - "Trường hợp cơ quan điều tra xác định được 11 trẻ em "mất tích" tại chùa Bồ Đề bị mua bán với phương thức tổ chức rõ ràng thì khung hình phạt mà các đối tượng liên quan có thể phải đối mặt lên đến hai mươi năm tù hoặc tù chung thân".
Liên quan đến việc 11 trẻ em tại chùa Bồ Đề “biến mất” một cách đầy bí ẩn từ tháng 8/2007 đến tháng 9/2012 theo phản ánh của nhóm thiện nguyện viên tại chùa, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp (HILAP) để tìm hiểu những vấn đề pháp lý liên quan.
Thưa Luật sư, trường hợp cơ quan điều tra xác minh 11 trẻ "mất tích" có dấu hiệu mua bán trẻ em thì các đối tượng liên quan trong vụ án sẽ phải chịu mức hình phạt như thế nào?
Ảnh 11 em nhỏ trong nghi án "mất tích". |
Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em được quy định tại điều 120 Bộ Luật Hình sự.
Nếu xác định từ 2 trẻ em trở lên thì vi phạm Điểm d Khoản 2 Điều 120 Bộ Luật Hình sự. Nếu vi phạm từ 2 lần trở lên thì được xác định là có tính chất chuyên nghiệp theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 23/7/2013.
Trường hợp nếu xác định được 11 trẻ em bị mua bán với phương thức tổ chức rõ ràng thì khung hình phạt đến hai mươi năm hoặc chung thân.
Về việc "mất tích" của 11 trẻ trong chùa Bồ Đề, cơ quan điều tra có thể khởi tố thành 1 vụ án độc lập được không thưa Luật sư?
Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật sư cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án (Khoản 2 Điều 117 Bộ Luật Tố tụng hình sự).
Như vậy việc mất tích 11 trẻ trong chùa Bồ Đề không cần thiết phải tách ra thành một vụ án độc lập vì rõ ràng nếu tách ra sẽ khó xác định được sự thật khách quan và toàn diện của vụ án và cũng không cần thiết phải hoàn thành sớm việc điều tra đối với các tội phạm.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong sự việc này ra sao?
Vụ việc hiện nay mới được phanh phui nhưng theo nhiều người thì sự việc nổi cộm này đã diễn ra nhiều năm và có quy mô và tổ chức rõ ràng.
Như vậy trách nhiệm của UBND phường Bồ Đề, Công an phường Bồ Đề và các Ban ngành liên quan phải chịu trách nhiệm về sự yếu kém trong quản lý của mình. Cần xác minh rõ các cá nhân, ban ngành trong từng chức năng nhiệm vụ của mình để quy trách nhiệm rõ ràng khi để xảy ra sự vụ nổi cộm trong thời gian dài mà chính quyền địa phương không có biện pháp quản lý và ngăn chặn.
Luật sư đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự việc đến cộng đồng, xã hội?
Vụ việc rõ ràng làm giảm lòng tin nơi cửa Phật đã lợi dụng danh nghĩa nhân đạo để trục lợi. Hơn nữa cơ chế quản lý tài chính tại các chùa cũng không rõ ràng dẫn đến việc dùng tiền công đức để chi tiêu cá nhân, mua xe ôtô, về xây nhà thờ họ … là những việc làm hết sức phản cảm và xâm phạm đến lòng tin của nhân dân lâu nay.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái. |
Qua vụ việc chúng ta thấy sự hạn chế của chính quyền địa phương với bộ máy "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về". Số lượng công chức 100 triệu dường như ngày càng phình to mà thủ tục hành chính thì thiên về "hành là chính" còn trách nhiệm và năng lực quản lý xã hội thì động đến đâu là ở đấy yếu, chạm đến việc gì là việc đó kém.
Sự yếu kém của cơ quan hành chính nhà nước là căn nguyên suy giảm lòng tin của nhân dân với nhà nước. Chúng ta cần nghiêm túc xem xét và nhanh chóng cải cách để khắc phục những yếu kém của cơ quan hành chính hiện nay.
Vụ việc là hồi chuông cảnh báo việc lợi dụng sự tôn nghiêm của nhà Phật nhằm mục đích trục lợi cá nhân cần nghiêm trị các đối tượng liên quan để lấy lại niềm tin cho xã hội.
Xin chân thành cảm ơn Luật sư!
Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã vào cuộc điều tra theo đơn của nhóm thiện nguyện viên về việc 11 trẻ em tại chùa Bồ Đề “biến mất” một cách đầy bí ẩn. Danh sách các trẻ bị "mất tích" gồm: 1. Bé Tùng Anh (biệt danh là Khoai), được chùa Bồ Đề nhận và nuôi dưỡng vào cuối tháng 8/2007 khi chưa rụng dây rốn. Đến khoảng tháng 1/2008, Tùng Anh bỗng dưng mất tích, hiện không còn ở chùa. 2. Bé Việt Anh được nhận vào chùa khoảng tháng 10/2007. Ngoài ra cùng thời điểm còn có bé Tùng Anh và Hùng Anh. Hùng Anh giờ vẫn ở chùa và là học sinh lớp 2 tại trường Tiểu học Bồ Đề. Tháng 5/2009, xác định bé Việt Anh không còn ở chùa Bồ Đề nữa. 3. Bé Minh Anh: Năm 2007, bé Minh Anh được gần 1 tuổi. Đến năm 2012, khi các thiện nguyện viên quay lại chùa thì không còn thấy bé Minh Anh nữa. 4. Bé Duy Anh: Được đón nhận và nuôi dưỡng vào chùa Bồ Đề năm 2009. Tháng 7/2014, khi thiện nguyện viên quay lại chùa thì không còn gặp lại bé nữa. 5. Bé Bảo Anh: Được chùa Bồ Đề đón nhận để nuôi dưỡng vào năm 2009. Đến tháng 7/2014, mọi người bất ngờ phát hiện cháu Bảo Anh đã “biến mất”. 6. Bé Mai Anh: Năm 2009, Mai Anh được đón nhận vào nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề. Đến ngày 19/7/2014, mọi người đã phát hiện Mai Anh cũng không còn ở chùa nữa. 7. Bé Vi Anh: Cháu được chùa Bồ Đề tiếp nhận năm 2009. Đến ngày 19/7/2014 khi các thiện nguyện viên quay lại chùa thì không còn thấy cháu Vi Anh ở chùa nữa. 8. Bé Huy Anh: Vào chùa năm 2012. Đến ngày 19/7/2014, mọi người quay lại thì không còn gặp lại Huy Anh nữa. 9. Bé Cù Triều Anh: Vào chùa từ tết năm 2010. Nhưng cháu Triều Anh đã “biến mất” vào nửa cuối năm 2011. 10. Bé Tuấn Anh: Bé được nhận vào chùa năm 2007, vào trước thời điểm Tùng Anh và Hùng Anh, Việt Anh được nhận nuôi. Năm 2014 khi chị Bích Ngọc quay lại chùa Bồ Đề đã không thấy bé ở chùa nữa. 11. Bé Cù Hoàng Anh: được đón nhận và nuôi dưỡng ở chùa năm 2010. Bà Bùi Vân Khánh Linh thường xuyên sang chùa, chăm sóc và bồi dưỡng thêm tiền cho các cô chăm bé. Tuy nhiên, đến đầu năm 2012, Hoàng Anh bỗng dưng biến mất. Ngoài ra còn rất nhiều các bé khác vào chùa trong năm 2009, mặc dù không nhớ rõ tên, nhưng các thiện nguyện viên này khẳng định có đầy đủ ảnh, nhân chứng, chứng minh được sự tồn tại của cháu tại chùa Bồ Đề. Đến thời điểm 19/7/2014, khi mọi người trở lại chùa đã không còn thấy các cháu nữa. |